Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Tâm hỏi như sau:
Tiêu chuẩn xét nâng bậc lương
Theo điểm a, điểm c, khoản 1, Điều 1 Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thì cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng áp dụng chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn quy định tại Thông tư này.
Điểm a, khoản 1 và điểm b, khoản 2 Điều 2 Thông tư số 08/2013/TT-BNV quy định điều kiện về thời gian giữ bậc và tiêu chuẩn để xét nâng bậc lương thường xuyên như sau:
Đối với chức danh chuyên gia cao cấp, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng một bậc lương.
Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
Viên chức (theo hợp đồng làm việc) và người lao động (theo hợp đồng lao động) trong đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong chức danh nghề nghiệp, qua đánh giá đạt đủ hai tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian giữ bậc lương thì được nâng một bậc lương thường xuyên:
- Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
- Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
Xác định thời điểm nâng lương
Trường hợp bà Đặng Thị Thanh Tâm đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo các hợp đồng liên tục từ ngày 1/7/2013 đến nay, theo quy định tại điểm a, điểm c, khoản 1, Điều 1 Thông tư số 08/2013/TT-BNV, viên chức (ký hợp đồng làm việc) hoặc người lao động (ký hợp đồng lao động), đã xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, là đối tượng áp dụng chế độ nâng bậc lương thường xuyên.
Vì bà Tâm không nêu rõ trình độ đào tạo và bậc lương, thang bảng lương đang hưởng, nên đề nghị bà đối chiếu quy định tại điểm a, khoản 1 và điểm b, khoản 2 Điều 2 Thông tư này để biết điều kiện về thời gian giữ bậc và tiêu chuẩn để xét nâng bậc.
Nếu bà Tâm được xếp vào các chức danh có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, hưởng 100% mức lương của bậc được xếp kể từ ngày 1/7/2013, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) kể khi giữ bậc và trong suốt thời gian giữ bậc lương đó bà được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ trở lên, không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức thì đến ngày 1/7/2016 bà Tâm được xét nâng lương lên một bậc.
Nếu bà Tâm được xếp vào các chức danh có trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống, hưởng 100% mức lương của bậc được xếp kể từ ngày 1/7/2013, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) kể khi giữ bậc và trong suốt thời gian giữ bậc lương đó bà được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ trở lên, không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức thì đến ngày 1/7/2015 bà Tâm được xét nâng lương lên một bậc.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội