In bài viết

Cổ trấn Tây Đường-“Thiên đường” của du lịch Trung Quốc

(Chinhphu.vn) - Nằm cách Thượng Hải 80 km, Cổ trấn Tây Đường, thuộc huyện Gia Thiện, Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), mê hoặc du khách với không gian cổ kính, trữ tình.

18/02/2015 10:04
Nằm khuất giữa thành phố giàu có lâu đời Tô Châu và thành phố hiện đại bậc nhất Trung Quốc - Thượng Hải, thị trấn cổ Tây Đường từ lâu đã là điểm đến không thể bỏ qua của du khách tới Trung Quốc. 

Tây Đường một thị trấn mang đặc thù của đô thị vùng sông nước. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Phố cổ ngàn năm tuổi

Tây Đường là một thị trấn sông nước với 9 con sông chảy qua, chia thị trấn cổ này thành 8 phần được nối với nhau bằng 27 cây cầu đá cổ. 

Trong phần phố cũ của Tây Đường, các tòa nhà được xây dựng dọc bờ các con kênh, vốn đóng vai trò là đường giao thông chủ yếu trong vùng làm nên nét đặc trưng phong cảnh Tây Đường. Đó là những ngôi nhà cổ và sông nước đan xen lẫn nhau. Những hàng liễu mềm mại bốn mùa rủ bóng xuống mặt sông. Trên mặt sông, các con thuyền dáng mảnh và nhẹ như chiếc lá tre nhẹ nhàng xuôi ngược.

Nét hữu tình, nên thơ và rất đặc trưng cho vẻ đẹp cổ điển của văn hóa Trung Hoa nên phong cảnh Tây Đường thường được mô tả trong các bức tranh phong cảnh cổ.

Các con phố nhỏ luôn tấp nập với nhiều cửa hàng san sát. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Tuy đã hơn ngàn năm tuổi song cổ trấn vẫn tràn đầy sức sống. Hầu như mọi căn nhà có mặt tiền đều kinh doanh một mặt hàng gì đó. Hàng hóa bày bán trong các cửa hàng trên phố rất đa dạng, nhiều màu sắc khiến cho cuộc sống nơi đây lúc nào cũng rực rỡ đa màu và tươi tắn dưới những lớp ngói xanh đầy rêu và các bức tường cũ kỹ.

Khăn, áo sặc sỡ, bánh trái đặc sản địa phương, túi xách da, rượu nữ nhi hồng, sách báo, những vòng tay đỏ chót mang đặc trưng văn hóa bản địa, tranh ảnh, băng đĩa… mọi thứ của một cuộc sống nơi phố thị hiện diện khắp nơi tại Tây Đường.

Nét thú vị nhất của Tây Đường là sự đan xen giữa thương mại, du lịch sôi động và tĩnh mịch, giữa hiện đại và cổ kính. Không hề đối nghịch, cuộc sống hiện đại và quá khứ đan xen hài hòa và song song tồn tại ở nơi đây.

Một cửa hàng bày bán rượu truyền thống của Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Thiên đường của đôi lứa

Tây Đường về đêm lộng lẫy hơn hẳn. Ánh sáng khắp nơi. Cửa hàng nào cũng treo hàng dãy đèn lồng hắt sáng ấm áp cả lối đi trên phố, nhưng không quá sáng như đèn neon hay đèn cao áp, mà chỉ đủ để nhìn tỏ mặt người.

Đi trên những con phố của Tây Đường, giữa những cửa hàng tấp nập, như đi giữa một thế giới phù hoa cổ đại, nơi mà những lọ phấn trang điểm, những chiếc khăn vải dệt, những bình rượu Nữ nhi hồng, Nhị qua đầu... vốn chỉ là vật phẩm thường dùng cũng trở nên lung linh và huyền ảo hơn hẳn ban ngày. Ngay cả cô gái bán phấn trang điểm má cũng hồng hơn, da mịn hơn và ánh mắt long lanh hơn. Người mua sẽ sẵn sàng bỏ 25 Nhân dân tệ ra mua một hộp phấn có hình người phụ nữ xinh đẹp bên trên dù chưa biết xuất xứ từ đâu, làm từ những gì và có lẽ họ cũng không chắc chắn mình có dùng hay không.

Người dân Tây Đường hài lòng với nhịp sống của cổ trấn ngày nay. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Những ai hiểu, yêu văn hóa Trung Hoa cổ đại ắt sẽ có những cảm xúc, những liên tưởng riêng rằng mình đang ở nơi mà xưa kia Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài hay Tiểu Kiều-Đại Kiểu từng dừng bước… Và có lẽ chính những cảm xúc ấy, ấn tượng ấy mới là thứ đọng lại của du khách sau chuyến đi tới Tây Đường.

Điểm độc đáo nhất để khiến Tây Đường trở thành cái duy nhất chính là hệ thống mái hiên được thiết kế dọc suốt các con đường men theo bờ sông. Vẫn không rõ mục đích sử dụng ban đầu của hệ thống mái hiên rất kiên cố, công phu với hàng cột khá to, hệ thống rui kèo cùng mái ngói âm dương này, nhưng nếu đi dạo hay ngồi ngay dưới đây, bên tách trà nóng trong những ngày mưa tuyết rơi nhẹ để ngắm cái tĩnh lặng của một thị trấn quen ẩn mình hơn ngàn năm thì quả là một hạnh phúc thiên đường.

Đến Tây Đường mà không ngồi thuyền du ngoạn trên sông thì quả thật là một điều đáng tiếc. Khi đến buổi hoàng hôn, bạn có thể nghe tiếng cót két của những chiếc thuyền. Lúc này rất nhiều du khách xếp hàng dài chờ đến lượt ngồi trong thuyền êm trôi theo dòng nước, chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp của cổ trấn.

Nhiều du khách đã đi dạo không biết chán dưới mái hiên dọc theo các nhánh sông hay đi vào ngõ, ngách chỉ để ngắm người dân nơi đây vẫn sinh hoạt bình thường, chậm rãi và êm ả như chính bản thân thị trấn cổ này.

Cổ trấn Tây Đường được Cục Di sản văn hóa Trung Quốc lựa chọn là địa phương đầu tiên đứng vào danh sách “Trung Quốc lịch sử văn hóa danh trấn”. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Phố nhỏ, ngõ nhỏ

Khác với những đô thị cổ khác, Tây Đường hầu như vẫn giữ được diện mạo như cách đây hàng trăm năm. Cũng có những sửa chữa, nhưng không bị thô kệch, vô duyên. Chính quyền địa phương đã tỏ ra rất có trách nhiệm với di sản của mình khi tôn tạo mà không hiện đại hóa di sản.

Do được xây dựng từ thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc loạn lạc nên Tây Đường không thể hoành tráng mà trái lại rất nhỏ, nhỏ đến mức tinh tế và mong manh. Hàng chục con hẻm cực nhỏ nhưng lại thông với nhau, tạo thành một hệ thống giao thông rất chặt chẽ. Còn chính những người dân lại hài lòng với cuộc sống tiểu thương của mình: Từ quầy hàng đến các loại hàng hóa bán bên trong.

Nhiều du khách Việt Nam khi đến Tây Đường thường liên tưởng đến Hội An với sự nhỏ bé, tinh tế và vẻ tịch mịch nhẹ nhàng lan tỏa trong không gian. Nó khiến người ta không thể nào không nhớ nhung và định một ngày nào đó sẽ quay trở lại.

Trước đây khi các hãng lữ hành chưa mở tour tới Tây Đường, du khách muốn đến đây phải tự  đi và trải qua khá nhiều phương tiện giao thông như: Máy bay, tàu hỏa cao tốc, xe bus… Hiện nay với đường bay thẳng Hà Nội-Thượng Hải của Vietnam Airlines thì tuyến đường này đã thuận lợi và “gần” hơn rất nhiều. Vietnam Airlines cũng phối hợp với Lữ hành Hà Nội Redtour mở các tour tuyến du lịch từ Việt Nam tới Tây Đường theo hành trình Hà Nội/Saigon-Thượng Hải-Tây Đường-Hàng Châu-Tô Châu.

Nguyệt Hà