Theo nhiều chuyên gia, danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện là điều “cốt tử” của các dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo tinh thần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, “cởi trói” cho doanh nghiệp. Nhưng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, ông đang thực sự sốt suột vì các bộ, ngành chậm trễ trong việc rà soát ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
Điều kiện “con, cháu, chắt” đang trói doanh nghiệp
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết theo con số cập nhật nhất, hiện Bộ đã nhận được ý kiến hồi âm của gần 15 Bộ ngành về vấn đề trên. Nhưng những phản hồi này, theo ông Cung, là còn sơ sài và chưa đạt yêu cầu cải cách.
Bởi chúng mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê danh sách ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, trong khi điều quan trọng hơn, phải chỉ ra cụ thể điều kiện kinh doanh là gì, phải đánh giá xem điều kiện nào là bất hợp lý, không cần thiết, điều kiện nào cần giữ lại và tại sao.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có khoảng 400 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng số lượng điều kiện kinh doanh thì lớn hơn rất nhiều bởi mỗi ngành nghề lại có thể có từ 10 đến 20 điều kiện. Với khoảng 400 nghề đó, điều kiện kinh doanh có thể lên tới hàng nghìn, trong đó có không ít mang tính áp đặt chủ quan, hoàn toàn không có căn cứ khoa học nào.
Ông Cung lấy ví dụ về ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, bao gồm các nhóm điều kiện về doanh nghiệp, về phương tiện, về lái xe, về người quản lý, về tuyến (điều kiện gia nhập tuyến, điều kiện tăng chuyến…), thậm chí có những điều kiện rất oái ăm, như yêu cầu mỗi xe chỉ được đăng ký chạy 2 tuyến, nếu chạy tuyến thứ 3 là vi phạm. Quy định này dẫn đến tình trạng khi một xe hỏng, doanh nghiệp không thể lấy xe chạy ở tuyến khác vào thay thế.
Chưa hết, để một doanh nghiệp muốn tăng chuyến trên tuyến đó, thì các xe hiện đang chạy trên tuyến đó phải đạt trên 50% công suất và đạt trên 6 tháng liên tục. Trong khi theo ông Cung, lỗ hay lãi, công suất đạt bao nhiêu phần trăm là chuyện của doanh nghiệp. Rõ ràng những quy định như vậy không thân thiện với thị trường, không khuyến khích cạnh tranh, sáng tạo, tăng thêm chi phí và rủi ro cho người kinh doanh.
Một vấn đề khác cũng khiến doanh nghiệp rất đau đầu, đó là tình trạng điều kiện kinh doanh của một ngành nghề nằm rải rác ở nhiều nơi. Chẳng hạn điều kiện kinh doanh chung thì nằm ở luật, nghị định, nhưng điều kiện “con, cháu chắt” thì nằm ở thông tư, quyết định, thậm chí công văn của Bộ, mà điều kiện kinh doanh “con, cháu, chắt” này mới tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Lập tổ đặc nhiệm xử lý “giấy phép con”
Nhấn mạnh ý nghĩa của việc rà soát, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết theo tinh thần dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung nhắc lại hiệu quả to lớn của “cuộc cách mạng” cắt bỏ hàng loạt “giấy phép con” cùng với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 1999.
“Ở nơi cấp giấy phép con, hôm nay người người vẫn ùn ùn đi xin phép, thì sau khi Thủ tướng ký các văn bản bãi bỏ giấy phép con, chỗ đó không còn một bóng người. Ngược lại, cơ quan đăng ký kinh doanh trước đây heo hút, cả tháng trời mới có người đến, thì nay đầy ắp người, tức là lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng rất mạnh”, ông Cung nhớ lại.
Một ví dụ khác đang rất thời sự, đó là Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết này mới chỉ đề cập tới một số chỉ số về tiếp cận điện, thuế, hải quan…, nhưng theo tính toán, nếu làm được, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tới hơn 40 tỷ USD. Như vậy, nếu Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với những cải cách mạnh mẽ được thông qua, thì lợi ích có được còn lớn hơn rất nhiều con số đó.
Rõ ràng, rà soát các ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện là việc không thể không làm nếu muốn tạo đột phá về môi trường kinh doanh. Nhưng theo vị Viện trưởng, ông không tin tưởng rằng các bộ ngành sẽ làm được việc tự mình rà soát, thống kê danh mục trên, bởi điều kiện kinh doanh là công cụ quản lý của họ. Và điều này cũng không lạ, bởi thế giới cũng thế chứ không chỉ ở Việt Nam, khi “chưa có bất kỳ nước nào mà các bộ làm được việc này”.
Vì vậy, sắp tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị Thủ tướng thành lập một tổ đặc nhiệm, có thể do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đứng đầu, TS Nguyễn Đình Cung cho biết.
Tổ đặc nhiệm sẽ làm nhiệm vụ rà soát, thống kê, đánh giá, tranh luận với từng bộ, ngành xem cần giữ ngành nghề gì, bỏ ngành nghề gì, giữ điều kiện gì và bỏ điều kiện gì trong danh mục, báo cáo trực tiếp với Thủ tướng, với Chính phủ.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, để ngăn chặn tình trạng các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết “mọc” trở lại sau khi đã cắt bỏ, dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đưa ra một số “chốt chặn” quan trọng. Thứ nhất, sau khi Chính phủ ban hành hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì những điều kiện kinh doanh không có trong danh mục này sẽ không có hiệu lực thi hành nữa, trừ những điều kiện kinh doanh xác định sau khi danh mục được ban hành. Danh mục sẽ được cập nhật hàng năm. Thứ hai, kể từ lúc đó, chỉ có luật, pháp lệnh và nghị định mới được đặt ra điều kiện kinh doanh. Đồng thời, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng phải được ban hành tại cùng một văn bản, nghĩa là một văn bản xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải đồng thời quy định cụ thể các điều kiện kinh doanh là gì, chấm dứt chuyện các bộ ngành “hướng dẫn” thêm về điều kiện kinh doanh. |
Hà Chính