In bài viết

'Cơn bão' xứ Catalonia đang tan dần

(Chinhphu.vn) - Trước những biện pháp mạnh tay của chính phủ, sau một thời gian sôi sục, phong trào đòi độc lập tại Catalonia có dấu hiệu dịu lắng.

09/11/2017 11:10
Trong thông báo được đưa ra vào chiều 8/11 (theo giờ địa phương) sau cuộc họp của các thẩm phán, Toà Hiến pháp Tây Ban Nha khẳng định tuyên bố độc lập đơn phương mà Nghị viện Catalonia đưa ra hôm 27/10 là vô hiệu và vi hiến.

Trước đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã bãi nhiệm chức thủ hiến vùng Catalonia đối với ông Carles Puigdemont và toàn bộ chính quyền vùng sau khi vùng tự trị này tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha. Chính phủ trung ương Madrid đã chính thức kiểm soát vùng này. Theo kế hoạch, cuộc bầu cử tại địa phương tại đây sẽ được tổ chức vào ngày 21/12 tới.

Trong khi đó, tiến trình điều tra xét xử các cựu quan chức vùng này đang diễn ra. Ngày 2/11, 8 thành viên trong chính quyền bị phế truất của ông Puigdemont đã bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra. Theo kế hoạch, ngày 9/11, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha sẽ mở phiên tòa đối với các cựu thành viên Hội đồng lập pháp bị giải tán của Catalonia, trong đó có cựu Chủ tịch Hội đồng lập pháp Carme Forcadell. 6 cựu thành viên hội đồng này đã bị triệu tập đến tòa với cáo buộc xúi giục và nổi loạn khi tham gia tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi độc lập vừa qua.

Trong lúc này, cuộc khủng hoảng Catalonia vẫn đang tiếp tục có những diễn biến mới. Ngày 8/11, các đảng phái theo đuổi độc lập ở vùng Catalonia đã thất bại trong việc thành lập một liên minh để cùng tranh cử trong cuộc bầu cử vùng trước thời hạn tại Catalonia vào ngày 21/12.

Đảng Cộng hoà cánh tả (ERC) đã từ chối lời kêu gọi liên minh của đảng Dân chủ Catalonia (PdeCat) cánh hữu, đảng của cựu Chủ tịch chính quyền Catalonia hiện đang lưu vong tại Bỉ là ông Carles Puigdemont, bất chấp lời kêu gọi của ông Puigdemont rằng các đảng ủng hộ Catalonia độc lập sẽ không thể chiến thắng chính quyền Tây Ban Nha nếu không liên minh.

Thực tế này đặt ra thách thức rất lớn cho các đảng có xu hướng ly khai ở Catalonia trong cuộc bầu cử ngày 21/12 tới, đặc biệt trong bối cảnh các lãnh đạo cao nhất của các đảng này là ông Puigdemont thì đang phải lưu vong ở Bỉ còn ông Junqueras, nguyên Phó Chủ tịch chính quyền Catalonia và là người của đảng ERC thì lại đang bị chính quyền Tây Ban Nha tạm giam tại Madrid.

Bản thân tương lai cá nhân của ông Carles Puigdemont cũng đang bị đặt dấu hỏi. Ngày 17/11 tới chính quyền Bỉ sẽ ra phán quyết về việc liệu có giao ông Puigdemont cho chính quyền Tây Ban Nha hay không, sau khi ông này bị chính quyền Tây Ban Nha phát lệnh bắt giữ trên toàn châu Âu vì các tội danh nổi loạn và kích động nổi loạn.

Trước những biện pháp mạnh tay của chính phủ, sau một thời gian sôi sục, phong trào đòi độc lập tại Catalonia có dấu hiệu dịu lắng. Tình trạng bất tuân thủ đã không xảy ra như đe dọa của các nhóm ủng hộ ly khai trước đó khi chính phủ trung ương Tây Ban Nha áp đặt kiểm soát trực tiếp lên khu vực này từ hôm 30/10. Hiện nay, mọi hy vọng đều đổ dồn vào cuộc bầu cử ngày 21/12 tới tại Catalonia.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng vấn đề Catalonia đã được giải quyết triệt để. Cuộc khủng hoảng ở Catalonia trên thực tế đã gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Tây Ban Nha nói chung và ở Catalonia nói riêng. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến vừa qua tại Catalonia cho thấy có 43% số ý kiến không ủng hộ chính quyền trung ương giải tán Hội đồng lập pháp và tổ chức bầu cử sớm ở vùng lãnh thổ này.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 8/11, Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã bác bỏ thông tin cho rằng chính phủ của ông đang rơi vào "cuộc khủng hoảng" xung quanh việc cựu Thủ hiến vùng Catalonia đang ở Bỉ.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Michel nhấn mạnh "chỉ có một cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha chứ không phải tại Bỉ". Việc cựu Thủ hiến Catalonia đến Bỉ là "vấn đề của các tòa án, không phải của Chính phủ Bỉ" . Ông Michel cam kết sẽ giám sát để bảo đảm chắc chắn rằng không có bất kỳ sự can thiệp nào vào tính độc lập của tòa án.

An Bình