![]() |
Nên tách riêng định hướng phát triển hoa và cây cảnh. Ảnh minh họa |
TS. Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: Những năm qua, Nhà nước và các nhà khoa học đã có những đóng góp nhất định, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước chưa nhiều, trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực, điều này dẫn đến năng suất và chất lượng hoa, cây cảnh của Việt Nam chưa cao, sản lượng xuất khẩu còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của ngành.
Không nên gộp chung định hướng phát triển hoa và cây cảnh
Theo TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Việt Nam là nước có tiềm năng để phát triển hoa và cây cảnh, như: Khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới; nghệ nhân lành nghề; lực lượng lao động... Nhưng không nên gộp ngành hoa và cây cảnh vào làm một, vì tuy giống nhau về mục đích, nhưng cách thức tổ chức, công nghệ, thị trường... khác nhau. Nên tách 2 lĩnh vực này ra để có chính sách phát triển phù hợp.
Với vai trò khuyến nông, TS. Phan Huy Thông đề cập đến việc phân cấp thị trường: Loại bình dân như hoa hồng, hoa cúc..; loại cao cấp như hoa lan, hoa ly... để có thể hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất. Ví dụ như hình thành nhiều vùng trồng hoa kết hợp với du lịch gắn với tiêu thụ sản phẩm; có chợ hoa chuyên nghiệp; các công nghệ chế biến hoa (hoa khô).
Đồng thời, đề xuất Cục Trồng trọt xem xét thay đổi quy trình công nhận các giống hoa được đưa vào sản xuất để có thể nhanh chóng tiếp cận các giống hoa mới, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Với vai trò là chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực hoa, GS.TS. Phạm Quang Thạch khẳng định hiệu quả kinh tế mà ngành hoa mang lại và đề xuất cần có định hướng và quy hoạch cho ngành này như: Phải có chính sách về vốn đối với nông dân, doanh nghiệp; thúc đẩy hơn nữa về mặt công nghệ để có thể tạo giống và nhân giống ở quy mô lớn, giảm giá thành.
TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam (FAVRI), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hoa, cây cảnh cho biết: Tại nhiều vùng, miền, ngành trồng hoa, cây cảnh có tốc độ phát triển khá nhanh so với các ngành nông nghiệp khác, đem lại thu nhập cho người nông dân, hình thành nhiều khu trồng hoa lớn như: Tây Tựu, Mê Linh, Nhật Tân (Hà Nội), Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Tuy nhiên, ngay cả các thành phố lớn, có nhu cầu tiêu thụ hoa tươi lớn như Hà Nội vẫn chưa có một chợ hoa thương mại đủ lớn để người dân có chỗ giới thiệu và bán sản phẩm của mình.
“Dân trồng hoa nhiều khi “khóc” vì hoa. Họ không có chỗ bán hàng. Trong khi người mua không có chỗ để mua, vì chợ hoa lớn nhất Hà Nội là Quảng Bá vẫn còn quá nhỏ. Cả Hà Nội chưa có một chợ hoa thương mại đúng nghĩa”, TS. Đặng Văn Đông chia sẻ.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN) cho rằng: “Thị trường tiêu thụ hoa ở Việt Nam vô cùng tiềm năng: Dân số đông, người dân Việt Nam lại có nhiều dịp lễ cần sử dụng hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, hệ thống phân phối hoa vẫn còn rất yếu. Gần như hoa chưa xuất hiện trong các siêu thị, mà chủ yếu phân phối theo mô hình truyền thống. Một chợ bán hoa chuyên nghiệp vẫn chưa hình thành để phục vụ cho người dân, khách du lịch”.
Sản xuất phải “nhìn thấy” tiêu thụ
![]() |
Xuất khẩu cần chủ động về giống hoa, thay cho chỉ phụ thuộc nhập khẩu như hiện nay. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
TS. Đặng Văn Đông chia sẻ: Trong thời gian qua, các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, tạo ra nhiều giống hoa mới, xây dựng các quy trình kỹ thuật, chuyển giao cách trồng hoa cho người dân. Có hộ đầu tư hàng tỉ đồng để trồng hoa, chất lượng hoa được sản xuất ra hoa không kém hoa nhập khẩu. Nhưng công tác thương mại còn rất yếu, nên vẫn khó tiêu thụ ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Vì thế, theo TS Đông, trước hết, ở những thành phố lớn như Hà Nội, cần có một trung tâm bán hoa tập trung, giúp người dân trồng hoa ven đô và các tỉnh lân cận tiêu thụ sản phẩm.
Còn ông Phạm Hồng Quất thì cho rằng, nếu để trống thị trường trong nước, tức là nhường sân cho hoa nhập khẩu hoặc những nhà đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Do vậy, nghiên cứu phải gắn chặt với doanh nghiệp, lấy tín hiệu thị trường chấp nhận là thước đo. Không nên nói rằng, ta tạo ra một giống hoa mới, đặc thù thì tự hào. Quan trọng là có thị trường tiêu thụ, có bán được không?
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, để xuất khẩu cần chủ động về giống hoa, thay cho chỉ phụ thuộc nhập khẩu như hiện nay.
“Một số giống hoa đơn giản như: Hồng, thược dược... chúng ta có thể nhân giống được, nhưng một số loại hoa đắt tiền như: Lan hồ điệp, ly vẫn phải nhập khẩu giống gần như 100% từ Hà Lan, châu Mỹ. Nếu tiếp tục duy trì kiểu “ăn sẵn”, thì chúng ta khó xuất khẩu vì không có giống bản quyền”, ông Nguyễn Quang Thạch, chuyên gia nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết.
Do vậy, “Chúng tôi mong muốn, Nhà nước giúp đỡ ngành hoa, cây cảnh kinh phí để tăng cường đầu tư, nghiên cứu, chủ động được giống hoa, biến ngành trồng hoa, cây cảnh thành một nghề mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng”, TS Đặng Văn Đông đề xuất.
Sản xuất hoa, cây cảnh là một ngành kinh tế mới, nhưng có tốc độ tăng trưởng khá mạnh, giải quyết được việc làm cho nhiều người lao động, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống nhân dân. Tuy vậy, để ngành hàng này thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, cần có một định hướng “dài hơi” trong sản xuất.Và điều quan trọng nhất, định hướng đó phải luôn luôn hướng về thị trường - “đầu ra” ổn định cho ngành hàng này.
Đỗ Hương