In bài viết

Còn nhiều khó khăn trong công tác y tế trường học

Y tế học đường có vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh tuyến ban đầu cho học sinh, sinh viên - những thế hệ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, theo Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Đồng Nai, năm học 2010-2011 toàn ngành thiếu 419 nhân viên y tế trường học. Tỷ lệ trường học không có nhân viên y tế và nhân viên y tế kiêm nhiệm chiếm phần đa số.

26/10/2010 15:21
Để phòng các căn bệnh học đường, học sinh cần được chăm sóc về sức khỏe Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đồng Nai, năm học 2010-2011, khối mầm non thiếu 89 nhân viên y tế; khối tiểu học thiếu 211 nhân viên; khối THCS thiếu 107 nhân viên và khối THPT thiếu 12 nhân viên. Những năm gần đây, các chương trình cơ bản (nha học đường, mắt học đường, vệ sinh y tế học đường, thấp tim học đường) đã được đưa vào thực hiện trong trường học. Phát động nhiều phong trào vệ sinh trường học, phòng chống dịch bệnh trong nhà trường; duy trì và xây dựng nhiều mô hình điểm về phòng chống các bệnh thường gặp như cận thị, vẹo cột sống...Tuy nhiên, tất cả những chương trình đó đều khó có thể hoàn thành khi mà lực lượng nhân viên y tế học đường còn quá thiếu và yếu. Cô giáo Trần Thị Thu, giáo viên Trường Tiểu học Tân Thành, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành cho biết, hàng năm, tại trường, thường có các đoàn khám răng, khám mắt từ thiện. Nhà trường coi đó như là những dịp quan trọng để học sinh có điều kiện được để kiểm tra sức khỏe của mình. Nhà trường tuy có tủ thuốc dự phòng khi học sinh bị các chứng bệnh thông thường, tuy nhiên nhân viên y tế chuyên trách thì chưa có nên việc quan tâm đến sức khỏe học sinh một cách chu đáo trở nên rất khó khăn. Nhiệm vụ và trách nhiệm của nhân viên y tế học đường ngày càng cao, đòi hỏi người làm công tác trong lĩnh vực này phải có trình độ chuyên môn, được đào tạo và hiểu biết về nghề y. Theo Đề án “Nâng cao năng lực phòng chống bệnh tật trong trường học đến năm 2015”, 100% các trường học trên địa bàn có phòng y tế và nhân viên y tế chuyên trách. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại thì vẫn có đến 93,4% trường ở bặc học mầm non, 34,3% trường ở bậc tiểu học và 9,1% trường THPT không có nhân viên y tế. Trong khi đó, tỷ lệ trường học có cán bộ y tế kiêm nhiệm cũng chiếm tỷ lệ tương đối cao: hơn 86% trường THCS, hơn 60% trường tiểu học, hơn 56,4% trường THPT và 1,7% trường mầm non sử dụng nhân viên y tế kiêm nhiệm. Tại lớp tập huấn về y tế học đường dành cho cán bộ, nhân viên y tế đang công tác tại các trường học trên địa bàn tỉnh do Sở Y tế tỉnh tổ chức hàng năm, có rất nhiều cán bộ, nhân viên y tế học đường đến từ các trường học tham gia. Thực tế, phần đông trong số nhân viên y tế học đường tham gia lớp học này là những người chưa từng được đào tạo về y tế, không phải là bác sĩ, y tá mà chỉ là những người làm kiêm nhiệm. Nghĩa là có cả những người có trình độ chuyên môn khác đang công tác trong lĩnh vực kế toán, văn thư, thủ quỹ, giáo viên.., được nhà trường giao cho kiêm nhiệm thêm trọng trách làm nhân viên y tế, phụ trách chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh toàn trường. Không chỉ chịu áp lực từ việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh kể trên mà nhiều khi nhân viên y tế học đường còn phải chịu thêm áp lực từ phía phụ huynh học sinh và rất nhiều áp lực khác. Trong khi đó, chế độ dành cho nhân viên y tế học đường hiện còn thấp, mức thu nhập hàng tháng không đủ để trang trải cuộc sống nên nhều người không thể gắn bó công việc lâu dài, trong khi đó, công việc chưa có mức lương hấp dẫn cũng không thể thu hút được nhân viên mới xin vào. Do đó vấn đề đảm bảo về số lượng và chất lượng của nhân viên y tế trường học càng trở nên khó khăn hơn. Hà Giang