In bài viết

'Con nuôi biên phòng' nâng đỡ những phận người neo đơn ở vùng biên giới

(Chinhphu.vn) - Bên cạnh nhiệm vụ chính trị là gìn giữ biên cương, giúp đồng bào phát triển kinh tế, người lính quân hàm xanh còn là những người bố nuôi, con nuôi chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ, nâng đỡ, chắp cánh ước mơ cho những phận đời khó khăn vùng biên giới.

28/02/2022 16:08
Những anh nuôi biên phòng nâng đỡ những phận người neo đơn - Ảnh 1.

Đại úy Nguyễn Minh Vương, Chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang đưa cơm hằng ngày cho mẹ Hiên Nhias - Ảnh: VGP/Minh Trang

"Nhờ có các con mà mẹ được ăn no, mặc ấm"

Nhân chuyến công tác đến vùng biên giới Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) Xuân Nhâm Dần 2022, chúng tôi theo chân các chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang đến thăm gia đình bà Hiên Nhias (thôn Đắc Ốc, xã La Dêê). 

Đến trước nhà, đại úy Nguyễn Minh Vương gọi vọng vào: "Nin ơi, ăn sáng thôi nào", ('Nin' theo tiếng đồng bào Tà Riềng là 'mẹ'). Trong nhà, bà Hiên Nhias vui mừng vì biết con nuôi đến đưa cơm.

Anh Vương một tay đỡ mẹ Hiên Nhias ngồi dậy, một tay dọn đồ ăn trong khay ra mời mẹ ăn cơm. Thỉnh thoảng anh Vương lại kể chuyện vui trong ngày cho mẹ nghe để bà bớt cô đơn, trống vắng khi ở nhà một mình. Nhìn nụ cười của bà Hiên Nhias khi nghe kể chuyện, anh Vương cảm thấy vui trong lòng.

Công việc đưa cơm hằng ngày, thăm hỏi động viên mẹ nuôi đã được các chiến sĩ biên phòng cửa khẩu Nam Giang thực hiện từ năm 2016 đến nay. 

Đối với bà Hiên Nhias, những lúc các chiến sĩ biên phòng đến thăm, đưa cơm là khoảng thời gian ấm áp nhất trong ngày bởi bà được chăm sóc sức khỏe, được trò chuyện, bớt đi không khí cô quạnh giữa núi rừng. 

Anh Vương kể, mẹ Hiên Nhias tham gia kháng chiến từ năm 13 tuổi. Mẹ hoạt động cách mạng bằng hình thức giã gạo, chở gạo nuôi bộ đội đánh Mỹ. Vợ chồng mẹ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho cách mạng. Năm nay, mẹ đã 70 tuổi, chồng đã mất cách đây 20 năm. Mẹ ở một mình, không có con cháu.

Những anh nuôi biên phòng nâng đỡ những phận người neo đơn - Ảnh 2.

Các con biên phòng chăm lo cho mẹ Hiên Nhias từng bữa cơm, mỗi lúc ốm đau - Ảnh: VGP/Minh Trang

Với chương trình "mẹ nuôi biên phòng", các cán bộ, chiến sĩ biên phòng thay nhau một ngày đưa cơm cho mẹ 3 bữa, chăm sóc mẹ những lúc ốm đau, hằng tháng trích một phần tiền lương hỗ trợ mẹ. "Cái nhà mẹ đang ở cũng là nhờ nghĩa tình của các con làm. Mẹ biết các con vất vả, lo cho mẹ hết sức. Nhờ có các con mà mẹ được ăn no, mặc ấm. Có các con đời mẹ như được xoa dịu, mỗi đứa như con ruột của mẹ vậy", mẹ Hiên Nhias xúc động nói.

Đại úy Nguyễn Minh Vương cho biết thêm: "Đồn biên phòng đang nhận hỗ trợ 3 cụ neo đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn quản lý. Đối với 2 hộ ở xã Đăk Tô thì hỗ trợ góp hằng tháng 15 kg gạo, đối với mẹ Hiên Nhias thì anh em thay phiên nhau chăm lo cơm nước, sức khỏe, làm cái nhà cho mẹ...".

Những anh nuôi biên phòng nâng đỡ những phận người neo đơn - Ảnh 3.

Em A Lăng Chi vđược các bố nuôi mang quân hàm xanh dạy học, kèm cặp hằng ngày - Ảnh: VGP/Minh Trang

Chắp cánh ước mơ cho trẻ mồ côi

Thời gian qua, thông qua chương trình "nâng bước em tới trường", "con nuôi đồn biên phòng", các đơn vị bộ đội biên phòng trên các tuyến biên giới Quảng Nam đã nhận đỡ đầu hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều cháu học sinh đã có cơ hội để thay đổi số phận khi được ăn no, mặc ấm, được cắp sách đến trường và đặc biệt là được sống trong tình yêu thương của những người lính biên phòng.

Khoảng 19h tối, tại căn phòng "Con nuôi biên phòng", 2 em A Lăng Chi và Zơ Râm Dũng ngồi ngay ngắn vào bàn học, soạn sẵn 2 quyển sách tiếng Anh cho bố nuôi Vương chỉ dạy và dò bài. Tiếng ê a học bài của con trẻ cứ như vậy cất lên hằng đêm tại Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang.

Hai em Dũng và Chi hiện đang ở lứa tuổi 12, 13, đều mồ côi cha từ sớm. Nhà Dũng có 4 anh em, trong đó có một anh đi bộ đội. Còn gia đình Chi thì có 2 anh em. Nhà 2 em đều thuần nông và thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn của xã.

Em Zơ Râm Dũng chia sẻ: "Con sống với các chú đã được 3 năm, được các chú lo cho bữa cơm hằng ngày, được các chú dạy học. Hằng ngày, con không phải ăn ngô mà được ăn cơm trắng, được mặc ấm và dần làm quen với giờ giấc, nền nếp sinh hoạt của Đồn, được các chú đưa đón tới trường. Chúng con biết ơn các chú Đồn biên phòng Nam Giang nhiều lắm. Con ước mơ sau này trở thành bộ đội như các chú để có thể giúp đỡ được nhiều người", em Dũng nói.

Theo trung tá Zơ Râm Thức, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang, các cháu được đón về nuôi từ năm 2018, hiện nay đang theo học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú-trung học cơ sở xã La Dêê-Đăk Tôi. Bố mất sớm, cả hai em đều thiếu thốn tình cảm nên dù bận đến mấy, anh em chiến sĩ cũng đều xuống thay phiên nhau dành thời gian trò chuyện, kèm cặp các con học hành.

"Hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, sợ các con bỏ học nên chúng tôi nhận các con về nuôi. Các con cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt trong đơn vị. Chúng tôi mong mỏi các con sau này có ý chí nghị lực mạnh mẽ, sống có ước mơ, tự đứng được trên đôi chân của mình", trung tá Zơ Râm Thức bộc bạch.

Theo anh Thức, mô hình "mẹ nuôi biên phòng", "con nuôi biên phòng" được các cán bộ, chiến sĩ tích góp, duy trì nguồn lực hằng tháng chủ yếu từ đồng lương, trích ngày ăn, lương phụ cấp và sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Đến nay, Đồn đã nuôi dưỡng được 4 mẹ và 4 cháu mồ côi, thay người thân chăm sóc bữa cơm giấc ngủ hằng ngày, nuôi dạy các cháu đến khi tốt nghiệp đại học. Ngoài ra, Đồn cũng nhận đỡ đầu một cháu người Lào, mỗi tháng hỗ trợ 500.000 đồng, bình thường không có dịch thì sẽ thăm hỏi trực tiếp, trao quà cho cháu.

"Cuộc sống của bà con đồng bào giáp biên còn nhiều vất vả khó khăn, chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, thêm nhiều mảnh đời được nâng đỡ, chương trình sẽ được lan tỏa trong xã hội, giúp các em khó khăn vùng biên giới, hải đảo viết tiếp những ước mơ của mình, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, tăng cường mối đoàn kết gắn bó quân dân nơi biên cương", trung tá Zơ Râm Thức bày tỏ.

Minh Trang