Lực lượng CAND luôn khẳng định rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc |
Có thể khẳng định, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng Công an nhân dân cách mạng. Ngay từ cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, đã xuất hiện các tổ chức mang tính vũ trang đầu tiên là Xích vệ đội (Đội Tự vệ đỏ) làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền Xô viết và phong trào cách mạng của quần chúng, bảo vệ cán bộ Đảng, giữ gìn trật tự, trị an. Trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc 1939-1945, Đảng chủ trương xây dựng nhiều hình thức, phương thức hoạt động tự vệ phong phú, đa dạng, như: Đội Hộ lương, Diệt ác, Đội Trừ gian, Ban bảo vệ An toàn khu, Đội Danh dự Việt Minh ở Hà Nội, Đội Tự vệ sắt ở Nam Trung Bộ… Đây chính là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam.
Khi thời cơ cách mạng đến, Đảng ta đã phát động cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, lực lượng Công an đã cùng với các tổ chức vũ trang cách mạng, quần chúng nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Trong thời điểm này, cùng với việc thiết lập chính quyền cách mạng, ở Bắc Bộ, Sở Liêm phóng và Sở Cảnh sát được thành lập, nơi nào giành chính quyền đều thành lập Ty Liên phóng, Ty Cảnh sát. Ở Trung Bộ, Nam Bộ lập Sở Trinh sát và Quốc gia tự vệ Cuộc. Tuy tên gọi có khác nhau nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an đều làm nhiệm vụ đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới được thành lập, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân. Ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL thống nhất các lực lượng này thành "Việt Nam Công an Vụ" nằm trong Bộ Nội vụ. Ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121-NgĐ về tổ chức Việt Nam Công an Vụ, quy định tổ chức bộ máy của Công an có 3 cấp: Công an Việt Nam, Công an kỳ và Công an tỉnh.
Ngay sau khi ra đời, Công an Việt Nam đã bước ngay vào trận chiến đấu quyết liệt, một mất một còn với các kẻ thù giai cấp và kẻ thù dân tộc. Điển hình, lực lượng Công an đã bảo vệ tuyệt đối an toàn Lễ mít tinh Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào chiều 2/9/1945; trấn áp thành công vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu ngày 12/7/1946, kịp thời khám phá, ngăn chặn, đưa ra ánh sáng âm mưu nham hiểm của bọn phản động Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp hòng lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ… Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng CAND đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Những chiến công ghi đậm dấu ấn CAND như thắng lợi của Tổ điệp báo A13 đánh đắm Thông báo hạm Amyot D'Inville, tiêu diệt hơn 200 sĩ quan Pháp, làm thất bại kế hoạch thâm hiểm của Pháp hòng lôi kéo, gây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở chống phá cuộc kháng chiến của ta từ trong lòng hậu phương. Đặc biệt, lực lượng CAND đã góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn quân và dân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Trong công công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, lực lượng CAND đã chủ động tích cực trên các mặt công tác và chiến đấu lập nên những thành tích xuất sắc trên cả chiến trường miền Nam và bảo vệ hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tại miền Bắc, lực lượng CAND đã vận dụng nhiều hình thức, biện pháp đấu tranh phong phú, phát động rộng rãi, mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trên chiến trường miền Nam, lực lượng An ninh miền Nam đã phát triển thành hệ thống từ Trung ương Cục đến khu, tỉnh, các huyện và xã. Trong quá trình chiến đấu, các lực lượng An ninh miền Nam đã phát huy cao độ tinh thần chủ động, tích cực, tự chủ, tự cường, dựa chắc vào quần chúng nhân dân, phối hợp chặt chẽ với phong trào quần chúng và các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam liên tục tiến công địch trên khắp các mặt trận; tổ chức diệt ác, phá kìm, phá các khu dồn dân, lập ấp chiến lược, đập tan các kế hoạch càn quét “tìm diệt, bình định” của địch; lần lượt làm thất bại các chương trình, kế hoạch tình báo, gián điệp thâm hiểm của Mỹ-ngụy, điển hình như các kế hoạch “Chiêu hồi”, “Phượng Hoàng”, “Thiên Nga”, “Hải Yến”… Đặc biệt, lực lượng An ninh miền Nam cùng quân và dân miền Nam đồng loạt tiến công và đánh thắng địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, lực lượng CAND đã chủ động nắm chắc tình hình, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, giữ vững ổn định chính trị; chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng về công tác công an trong tình hình mới; tổ chức thực hiện có hiệu quả “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”, “Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm”; “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”…đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Thực tiễn công tác, chiến đấu của CAND khẳng định, trong bất luận hoàn cảnh nào, lực lượng CAND luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, luôn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Đảng, chế độ, Nhà nước và Nhân dân; có phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liên, chính, chí công vô tư, gắn bó mật thiết với nhân dân; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh tổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại của đất nước. 75 năm qua, CAND đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước, được tôi luyện, thử thách qua khói lửa ác liệt của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đã tích lũy, hun đúc những bài học kinh nghiệm quý báu, trở thành phương châm, nguyên tắc, căn cứ hoạt động, chiến đấu, xây dựng lực lượng công an nhân dân. Theo đó:
Một là, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Công an nhân dân đồng hành, bám sát thực tiễn trong từng thời kỳ cách mang để đề ra mục tiêu, yêu cầu, tổ chức, thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ dạo, quản lý có hiệu quả của Nhà nước là yêu cầu tất yếu khách quan, nhân tố quyết định để lực lượng CAND không ngừng lớn mạnh, phát triển, công tác, chiến đấu và giành chiến thắng.
Hai là, coi trọng và phát huy vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nhân dân vừa là cội nguồn sức mạnh, là động lực, mục đích, vừa là lực lượng chủ yếu đảm bảo cho mọi thắng lợi. Vì vậy, lực lượng Công an luôn luôn quán triệt quan điểm dân là gốc, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Công an ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”.
Ba là, thường xuyên làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Xây dựng tổ chức đảng trong Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; coi trọng công tác chính trị, tư tưởng, nhân tố tạo nên sức mạnh bền vững bên trong, đảm bảo Công an nhân dân thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Bốn là, không ngừng nâng cao trình độ, nghiệp vụ, năng lực công tác, đủ sức chiến đấu, chiến thắng, đấu tranh phòng, chống âm mưu diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ của thế lực thù địch, các loại tội phạm xâm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo tổng kết thực tiễn, phát triển, hoàn thiện lý luận Công an nhân dân; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ công an theo hướng chất lượng cao, tinh thông nghiệp vụ, nắm bắt, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác công an.
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, nhìn lại những thành quả cách mạng mà đất nước, nhân dân ta đã đạt được, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an hôm nay càng thêm tự hào về đất nước, dân tộc Việt Nam anh hùng, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, vững tin vào thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn tiếp theo./.
TS. Lê Thế Cương
Học viện Chính trị CAND