In bài viết

Công bố 20 kỷ lục về Hà Nội

HNP - Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam vừa công bố và chính thức xác lập lần thứ nhất 20 kỷ lục Việt Nam của Thủ đô Hà Nội, những kỷ lục này sẽ được trao tặng giấy xác lập và cúp lưu niệm kỷ lục vào dịp tổng kết đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

10/10/2010 12:20


1. Nơi duy nhất chứng kiến sự ra đời của 3 bản Tuyên ngôn độc lập


Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội có vinh dự chứng kiến sự hình thành và công bố hai tác phẩm văn hóa chính luận bất hủ của hai tác gia danh tiếng, hai danh nhân văn hóa thế giới. Đó là Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi vào đầu thế kỷ XV và Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giữa thế kỷ XX. Hai tác phẩm trên cùng với bài thơ Nam quốc sơn hà vẫn cho là của Lý Thường Kiệt, vào nửa sau thế kỷ XI, được các nhà sử học coi như “Ba bản Tuyên ngôn độc lập” của dân tộc Việt Nam.

Trong đó, bản Tuyên ngôn độc lập đã tuyên bố với nhân dân cả nước và nhân dân thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Ngày 2/9/1945, một ngày có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần dân tộc. Và từ đó Hà Nội trở thành thủ đô của nước Việt Nam mới.

2. Thành phố có nhiều hồ đầm nhất


Thăng Long - Hà Nội có nhiều hồ đầm tự nhiên hình thành do quá trình biến đổi dòng chảy qua các thời kỳ kiến tạo địa chất, địa mạo, do sự bồi lấp tự nhiên và do cả sinh hoạt xã hội - con người tác động. Vào thập niên cuối của thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu ghi nhận có đến hơn 40 hồ đầm lớn nhỏ ở Hà Nội, trong đó 3 hồ nổi tiếng nhất nằm trong nội thành là hồ Tây, hồ Trúc Bạch và hồ Gươm.

Hồ Tây: Rộng hơn 500 ha, dấu vết của sông Hồng khi đổi dòng để lại. Hồ còn có tên là hồ Xác Cáo (từ truyền thuyết “cáo chín đuôi ẩn nấp” tại đây), hồ Trâu Vàng, Dâm Đàm (đầm mù sương), hồ Lãng Bạc. Hiện nay quanh hồ còn 61 đình, chùa, đền, phủ xưa.

Hồ Trúc Bạch: Đời vua Lê Tương Dực (1509-1517) cho đắp một lũy đất cắt một góc hồ Tây gọi là đê Cổ Ngư tạo thành hồ Trúc Bạch. Giữa hồ là đảo nhỏ có đền Cẩu Nhi.

Hồ Gươm: Hồ này rất rộng, trải dài từ phố Hàng Đào đến phố Hàng Chuối, ăn thông với sông Hồng (còn có tên là hồ Lục Thủy vì màu nước trong xanh quanh năm). Từ truyền thuyết Lê Lợi trả gươm báu, hồ mang tên là hồ Hoàn Kiếm, hồ Thủy Quân. Sau hồ Gươm được đắp đập ngăn đôi, phía Bắc là hồ Tả Vọng, phía nam là hồ Hữu Vọng. Trong hồ phía Bắc có núi Ngọc, trên núi có đền Ngọc Sơn, tháp Bút 5 tầng sừng sững; phía Nam có gò Rùa, trên gò có tháp Rùa.

Ngoài ra còn có hồ Thiền Quang hay còn gọi là hồ Liên Thủy, trước kia khá rộng và ăn thông với hồ Bảy Mẫu, do bị lấp dần để xây dựng nhà cửa nên hiện nay chỉ còn nằm giữa các phố Trần Nhân Tông, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du, Quang Trung. Ở ngoại thành, nhiều đầm hồ với cảnh quan đẹp chưa được khai thác nhiều như hồ Đồng Quan ở huyện Sóc Sơn, đầm Vân Trì ở huyện Đông Anh, đầm Linh Đàm, đầm Sét ở huyện Thanh Trì…

Hiện nay, với việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính nên Hà Nội bao gồm thêm nhiều hồ nổi tiếng như hồ Suối Hai (rộng gấp đôi hồ Tây), hồ Đồng Mô - Ngải Sơn ở huyện Ba Vì, hồ Đại Lải ở huyện Mê Linh, hoặc hệ thống hồ Quan Sơn từng được xem là “Hạ Long thu nhỏ” của đất Hà Tây trước đây.

3. Thành phố lớn nhất

Hà Nội là một trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới


Ngày 29/05/2008, kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XII đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính của thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Theo đó, diện tích của thành phố Hà Nội mở rộng bao gồm toàn bộ phần diện tích của Hà Nội cũ, toàn bộ diện tích tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình. Hiện nay, thành phố Hà Nội có tổng diện tích 3.324,92km2, gồm 10 quận, 1 thị xã, 18 huyện ngoại thành, đứng đầu cả nước về diện tích và nằm trong số 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.

Trước đó, Hà Nội cũng đã trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính. Cụ thể, năm 1954, diện tích của Hà Nội là 152km2. Năm 1961, thành phố được mở rộng, tăng diện tích lên 584km2. Đến năm 1978, thủ đô lại một lần nữa được mở rộng diện tích, lên 2.136km2. Đến năm 1991, địa giới Hà Nội lại tiếp tục thay đổi, thu hẹp lại còn 924km2.

4. Thành phố có nhiều di tích thắng cảnh nhất


Là mảnh đất nghìn năm văn hiến, Hà Nội lắng đọng những tinh hoa văn hóa của dân tộc suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước với hơn 4.000 di tích danh thắng (trong đó có hơn 1.000 di tích đã được xếp hạng quốc gia) cộng với một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú.

Những di tích danh thắng nổi tiếng của Hà Nội phải kể đến là: thành Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh thắng Hương Sơn, chùa Thầy, chùa Tây Phương, Hoàng thành Thăng Long, làng cổ Đường Lâm… Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hơn 1.200 làng nghề cùng nhiều lễ hội độc đáo và một nền văn hóa ẩm thực đa dạng, đặc sắc. Đó là một lợi thế, tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch của thủ đô ngàn năm tuổi

5. Thành phố có hệ thống bảo tàng nhiều nhất

Bảo tàng Hà Nội vừa được khánh thành ngày 6/10/2010


Hà Nội là trung tâm chính trị kinh tế và văn hóa của cả nước. Nơi đây đã và đang diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa và đáp ứng yêu cầu học tập tham quan nên các cơ quan Trung ương và Thành phố đã quan tâm xây dựng nhiều bảo tàng nhằm phục vụ nhu cầu của học sinh, sinh viên, người dân trong và ngoài nước đến tham quan, học tập. Đến Hà Nội, bạn sẽ được hướng dẫn đến các bảo tàng như: Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ trên 120.000 tài liệu, hiện vật, phim ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng Cách Mạng thành lập tháng 8/1959 có 30 phòng trưng bày trên 40.000 hiện vật. Bảo tàng Quân đội mở cửa ngày 22/12/1959, diện tích trưng bày 2.000m2, gồm 30 phòng, trưng bày những hiện vật và tài liệu giới thiệu quá trình ra đời và trường thành của các lực lượng vũ trang qua các thời kỳ lịch sử.

Bảo tàng chiến thắng B52 ở 152 Đội Cấn, quận Ba Đình. Đây là nơi ghi lại quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng Phòng không mà đỉnh cao là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đánh bại cuộc tập kích đường không của Mỹ.

Bảo tàng Lịch sử xây dựng năm 1926. Hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng rộng khoảng 2.000m2, chia thành nhiều không gian từ thời tiền sử đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Bảo tàng phụ nữ Việt Nam ở số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội được xây dựng trong hơn 4 năm và khánh thành ngày 20/10/1995. Bảo tàng trưng bày nhiều nội dung liên quan đến quá trình đóng góp của phụ nữ Việt Nam về mọi lĩnh vực trong xây dựng và bảo vệ đất nước từ xưa đến nay.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, khánh thành tháng 11/1997, rộng trên 3ha nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là một trung tâm trưng bày và lưu giữ quý giá về văn hóa của 54 dân tộc. Bảo tàng Mỹ Thuật ở số 77 Nguyễn Thái Học, có tổng diện tích 4.737m2, thông qua các hiện vật trưng bày, khách tham quan hiểu quá trình phát triển của lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Bảo tàng Hà Nội là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có tổng diện tích gần 54.000m2, cao 30,7m trưng bày 50.000 hiện vật trong ngày khánh thành vào ngày 6/10/2010. Bên cạnh đó là các Bảo tàng Phòng không không quân, Bảo tàng Địa chất…

6. Thành phố có tên phố và ngõ bắt đầu bằng chữ “hàng” nhiều nhất


Thăng Long - Hà Nội xưa có tới hơn 50 tên phố, ngõ được bắt đầu bằng chữ Hàng. Mỗi tên phố được gắn với một sản vật mà nơi đó buôn bán hoặc là nghề nghiệp của người dân nơi đó. Người đi học có thể lên Hàng Giấy, Hàng Bút; người dân lao động thì gắn với Hàng Gạo, Hàng Cá, Hàng Đường, Hàng Khoai, Hàng Bột, Hàng Dầu. Muốn sắm sửa đồ gia dụng thì lên Hàng Bát Đàn, Hàng Bát Sứ, Hàng Đũa. Muốn làm đẹp thì lên Hàng Lược, Hàng Đào, Hàng Vải… Còn rất nhiều, rất nhiều tên phố nếu cần mua thứ gì thì cứ đến đúng phố đó: Hàng Than, Hàng Hương, Hàng Buồm, Hàng Mành, Hàng Thiếc, Hàng Cân, Hàng Chỉ, Hàng Hành, Hàng Bè, Hàng Vôi, Hàng Cháo…

Thăng Long là nơi đô hội và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước trong nhiều triều đại. Người dân khắp nơi tụ về sinh sống, buôn bán làm ăn, họ cũng đã mang theo nghề từ quê hương về làm phong phú thêm cho Thăng Long.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, qua các tài liệu cũ ta thấy có tới 72 tên phố, ngõ bắt đầu với chữ “Hàng”, gắn với những thứ hết sức quen thuộc trong đời sống thường nhật: Cỏ, Chuối, Chĩnh, Chiếu, Chỉ, Chè, Cháo, Chai, Cau, Cân, Cá, Bừa, Bút, Buồm, Bún, Bột, Bông, Bè, Bồ, Bát Đàn, Bát Sứ, Cơm, Cót, Da,…

7. Công trình Đài nghiên – Tháp bút duy nhất


Năm 1865, khi tôn tạo trùng tu đền Ngọc Sơn, danh nho đất Hà thành Nguyễn Văn Siêu đã cho xây dựng nhiều hạng mục mới, trong đó có Tháp Bút – Đài Nghiên. Đến nay, trải qua hơn trăm năm, Tháp Bút - Đài Nghiên trở thành một hình ảnh rất đỗi quen thuộc với người Việt Nam, là một trong những biểu trưng của đạo học, ca ngợi truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.

Tháp Bút có hình một ngòi bút dựng ngược, gồm 5 tầng, cao 28m, nằm trên một ngọn đồi nhân tạo bằng đá (núi Độc Tôn). Thân tháp khắc ba chữ Hán "Tả thanh thiên" (viết lên trời xanh). Nhà văn hóa Nguyễn Văn Siêu, trong bài Bút Tháp chí khắc trên tầng 3 Tháp Bút, lý giải: tên núi Độc Tôn là để kỷ niệm một chiến thắng của chúa Trịnh tại vùng núi Độc Tôn, xứ Thái Nguyên, và “Núi là biểu tượng của chiến công và Tháp Bút là biểu tượng của văn hóa…Tháp nhờ núi mà cao thêm, núi nhờ tháp mà truyền mãi”.

Cạnh Tháp Bút, trên mái lớp cổng thứ ba của đền Ngọc Sơn có đặt một Đài Nghiên. Đó là một cái nghiên mực bằng đá có hình nửa trái đào bổ ngang theo chiều dọc. Đài Nghiên cao 0,3m, dài 0,97m và được đội lên bởi ba chú cóc ở phía dưới. Thành Nghiên cũng có khắc một bài minh nói về công dụng của cái nghiên xét về mặt triết học do chính Nguyễn Văn Siêu soạn. Bài minh này đã được sao lại và khắc trong bức cuốn thư ở ngay trên cửa vòm.

8. Làng cổ đầu tiên được công nhận di tích lịch sử Quốc gia

Làng cổ Đường Lâm - thị xã Sơn Tây - Hà Nội


Là vùng đất cổ có quá trình hình thành và phát triển liên tục, Đường Lâm hội đủ các giá trị văn hóa tiêu biểu của làng cổ Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Ngoài khoảng 800 ngôi nhà cổ bằng đá ong, về di sản văn hóa vật thể gồm đình, chùa, miếu, lăng, mộ… làng cổ Đường Lâm có 21 di tích, trong đó có 10 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có chùa Mía được đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Về văn hóa phi vật thể, làng cổ Đường Lâm còn bảo lưu được các lễ hội truyền thống tôn phong các anh hùng dân tộc. Các tác phẩm văn học, y học, hoành phi, câu đối, văn tự trên các bản khắc gỗ ở các di tích… cùng hàng nghì trang văn bản Hán Nôm ghi chép gia phả các dòng họ hoặc thần phả của các làng cũng còn được lưu giữ. Ngoài ra, mỗi cảnh quan, địa danh ở Đường Lâm gắn liền với những huyền thoại, truyền thuyết về đồi Gươm, đồi Hổ, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Phùng Hưng, Ngô Quyền… Đặc biệt, Đường Lâm còn có nhiều cây cổ thụ hằng trăm năm tuổi, độc đáo nhất là rặng duối cổ, tương truyền xưa kia là nơi buộc voi ngựa của Phùng Hưng, Ngô Quyền. Những đặc sản truyền thống của Đường Lâm như cây mía de xưa dùng làm đường - mật, cơm phố Mía, giống gà Mía nổi tiếng… được nhiều người biết đến. Trong những năm qua, nhiều di tích ở làng cổ Đường Lâm đã được đầu tư, tu bổ. Ngày 28/11/2005, làng cổ Đường Lâm được Bộ Văn hóa Thông tin ký quyết định công nhận di tích quốc gia. Đây là làng cổ đầu tiên trong cả nước được xếp hạng di tích quốc gia.

9. Trường Quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam

Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội


Năm 1076 vua Lý Nhân Tông (1066-1128) cho xây dựng Quốc Tử Giám. Năm 1236, trường được mở rộng, đổi tên là Quốc Tử Viện, sau là Quốc Học Viện, triều Lê đổi tên là Thái Học Viện có quy mô kiến trúc khang trang, bề thế gồm có cửa Thái Học, nhà Minh Luân, giảng đường phía Đông, phía Tây, kho chứa ván gỗ khắc sách, hai khu Tam xá cho giám sinh nghỉ ngơi. Quốc Tử Giám tồn tại hơn 700 năm, đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước và được coi là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam.

Quốc Tử Giám là trung tâm giáo dục cao cấp lớn nhất của cả nước thời phong kiến. Khi mới thành lập trường đón nhận các hoàng tử, quan viên, văn chức biết chữ và con em tầng lớp quý tộc đến học, về sau nhiều con em tuấn tú trong cả nước cũng đến đây học tập, rèn luyện. Giảng dạy ở Quốc Tử Giám có các chức Giáo thụ, Trực giảng, Trợ giáo, Bác sỹ. Đứng đầu Quốc Tử Giám thời Trần đặt chức Tư Nghiệp, thời Lê đặt chức Tế Tửu và Tư Nghiệp.

Năm 1988, Thành phố Hà Nội thành lập “Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám“ có chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích, tổ chức các hoạt động văn hóa khoa học và hướng dẫn tham quan du lịch nhằm phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

10. Nơi có hệ thống văn bia tiến sĩ nhiều nhất

Văn Miếu xây dựng vào năm 1070 tức năm Thần Vũ thứ hai đời vua Lý Thánh Tông. Từ khoa thi năm 1442 trở về sau, những người đỗ Tiến sĩ được vinh danh tên tuổi trong các kỳ thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779).

Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến 1779. Trong đó, tấm bia đầu tiên xây dựng từ năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442. Tấm bia cuối cùng dựng vào năm 1780 cho khoa thi tổ chức vào năm 1779. Có 82 tấm bia tương ứng 82 khoa thi khắc tên 1.304 vị Tiến sĩ. Đến nay, 82 tấm bia Tiến sĩ vẫn còn nguyên vẹn giá trị văn hóa, lịch sử xứng đáng trở thành di sản tư liệu thế giới.

Ngày 9/3/2010, phiên họp toàn thể thường niên Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO tại Ma Cao (Trung Quốc) đã công nhận bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phan Long - Ngọc Hải