Sáng 6/12, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 4 Luật:LuậtLưu trữ,LuậtĐo lường,LuậtKhiếu nại vàLuậtTố cáo. Cả bốn Luật này được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 11/1/2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012.
Buổi họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành tham gia soạn thảo các luật trên và đông đảo các cơ quan báo chí.
Tăng mức phạt về đo lường là cần thiết
Luật Đo lường gồm 9 chương, 58 điều, quy định về hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, so với Pháp lệnh Đo lường năm 1999, Luật đã xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đồng thời quy định rộng hơn, không chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh các hoạt động đo lường pháp định mà bao quát các hoạt động đo lường khác, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trình bày một số điểm mới của Luật Đo lường |
Một điểm mới đáng chú ý tại Luật này là quy định trường hợp vi phạm hành chính về đo lường có tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm lớn hơn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thì áp dụng hình thức phạt tiền với mức bằng từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính đó và số tiền thu lợi bất chính này phải bị tịch thu. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, với mức phạt tối đa về đo lường trước đây là 200 triệu đồng không đủ sức răn đe, khi nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục hoạt động, nên việc tăng mức phạt là rất cần thiết và đảm bảo sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật.
Bảo đảm quản lý có hiệu quả hoạt động lưu trữ
Luật Lưu trữ gồm 7 chương, 42 điều quy định về hoạt động lưu trữ; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ; hoạt động dịch vụ lưu trữ và quản lý về lưu trữ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu cho biết: Luật Lưu trữ đã quy định rõ các nguyên tắc, phương pháp và tiêu chuẩn cơ bản xác định giá trị tài liệu lưu trữ (Điều 16). Đồng thời, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác lưu trữ, áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thu thập, quản lý, bảo quản và sử dụng tài liệu lưu trữ...
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu giới thiệu những nội dung cơ bảncủa LuậtLưu trữ |
Đặc biệt, lần đầu tiên, Luật quy định thời hạn được phép sử dụng rộng rãi đối với các tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật, cụ thể: "Sau 40 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có dấu mật nhưng chưa được giải mật", "Sau 60 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có đóng dấu tối mật, tuyệt mật nhưng chưa được giải mật" (Điều 30). Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng tài liệu lưu trữ có các nghĩa vụ: "chỉ dẫn số lưu trữ, độ gốc của tài liệu lưu trữ và cơ quan tổ chức quản lý tài liệu lưu trữ; tôn trọng tính nguyên bản tài liệu khi công bố, giới thiệu, trích dẫn tài liệu lưu trữ; không xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân; nộp phí sử dụng tài liệu lưu trữ theo quy định của pháp luật" (Điều 29).
Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại
Luật Khiếu nại gồm 8 chương, 70 điều, quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần giải quyết khiếu nại của nhiều người về cùng một nội dung, Luật Khiếu nại đã bổ sung quy định mới về trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung. Theo đó, nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung mà khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi nhận nội dung khiếu nại. Nếu nhiều người khiếu nại bằng đơn thì đơn phải có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại (Khoản 4, Điều 8). Đồng thời, Luật cũng bổ sung quy định về việc ra quyết định giải quyết khiếu nại trong trường hợp này (Khoản 3, Điều 31).
Trình tự khiếu nại cũng được đổi mới so với Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998. Theo quy định của Luật thì khiếu nại lần đầu, người khiếu nại có quyền khiếu nại trực tiếp đến người có quyết định thi hành, hành vi hành chính hoặc có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, không nhất thiết phải khiếu nại với người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại như trước đây (Điều 7).
Việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật cũng là một trong những nội dung mới của Luật Khiếu nại. Quy định này nhằm bảo đảm các quyết định giải quyết khiếu nại được thực hiện nghiêm chỉnh. Mục 4, Chương III đã xác định về quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; những người có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanhtrình bày một sốđiểm mới của Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo |
Bổ sung một chương mới về bảo vệ người tố cáo
Luật Tố cáo gồm 8 chương, 50 điều, quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, một trong những điểm đáng lưu ý của Luật Tố cáo là đã bổ sung một chương mới về bảo vệ người tố cáo. Theo đó, Luật xác định trách nhiệm bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp cận thông tin về người tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo đều có trách nhiệm bảo đảm giữ bí mật các thông tin này, không kể người tố cáo có yêu cầu hay không. Việc quy định người tố cáo phải có văn bản yêu cầu bảo vệ chỉ áp dụng trong trường hợp họ có căn cứ cho rằng, họ bị phân biệt đối xử về việc làm, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ công dân, hay nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan xác định các biện pháp bảo vệ phù hợp, bảo đảm tính khả thi trên thực tiễn, phù hợp với nguyên tắc bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo.
Để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng, Luật Tố cáo đã quy định một số nội dung mới về công khai nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm tố cáo.
Luật cũng quy định cụ thể và đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo theo hướng sửa đổi, bổ sung thêm một số quyền của người tố cáo như: Quy định việc giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác là quyền đương nhiên của người tố cáo và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo đảm quyền này của người tố cáo; được quyền tố cáo tiếp; được khen thưởng theo quy định của pháp luật...
Luật cũng bổ sung quy định người bị tố cáo có quyền được nhận thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; được xin lỗi, cải chính công khai do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra./.