Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo theo dõi việc triển khai Quyết định 23/2021/QĐ-TTg tại 19 địa phương phía nam - Ảnh: VGP |
Bộ LĐTB&XH cho biết mọi người dân có thể gọi điện đến số điện thoại đường dây nóng để được giải đáp các phản ánh, kiến nghị của người lao động, người sử dụng lao động trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tại các địa phương.
Theo đó, có 6 số điện thoại đường dây nóng được phân công theo các nhóm chính sách hỗ trợ.
Đường dây nóng 0886487322 giải đáp chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Đường dây nóng 0911011166 giải đáp chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em; chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị mắc COVID-19 (F0), người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đường dây nóng 0911151166 giải đáp chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác.
Đường dây nóng 0911154488 giải đáp chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Đường dây nóng 0911191122 giải đáp chính sách hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn; chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch và thông tin tổng hợp tình hình thực hiện các chính sách.
Đường dây nóng 0911041122 tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo...
Bộ LĐTB&XH đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ngoài công bố các số điện thoại đường dây nóng, Bộ LĐTB&XH cũng phân công lãnh đạo bộ phụ trách triển khai Quyết định 23/2021/QĐ-TTg tại các địa phương.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh là Phó Trưởng Ban Thường trực, theo dõi việc triển khai Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng tại 9 địa phương, trong đó có 5 địa phương thuộc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) và 4 địa phương thuộc vùng duyên hải miền Trung (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, theo dõi việc triển khai Quyết định 23/2021/QĐ-TTg tại 14 địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía bắc gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, theo dõi việc triển khai Quyết định 23/2021/QĐ-TTg tại 11 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo theo dõi việc triển khai Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng tại 10 địa phương, gồm 6 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và 4 địa phương thuộc vùng Duyên hải miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo theo dõi việc triển khai Quyết định 23/2021/QĐ-TTg tại 19 địa phương gồm 13 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) và 6 địa phương vùng Đông Nam Bộ (Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh).
Thu Cúc