In bài viết

Công bố kết quả điều tra đánh giá về hiện tượng rung động ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan công bố những kết quả nghiên cứu, đánh giá khoa học về động đất ở khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và tỉnh Quảng Nam để chính quyền và nhân dân địa phương biết.

04/01/2012 10:09
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan công bố những kết quả nghiên cứu, đánh giá khoa học về động đất ở khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và tỉnh Quảng Nam để chính quyền và nhân dân địa phương biết.
UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân biết các biện pháp ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi xảy ra động đất.
Như đã đưa tin, từ đầu tháng 11/2011 ở khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 4 trận động đất. Các trận động đất này đã gây ra rung động nền đất kèm theo tiếng nổ ở khu vực gần chấn tâm. Rất nhiều người dân đã cảm nhận được dao động do động đất gây ra. Nhà cửa và các đồ vật treo đung đưa mạnh.
Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra để có đánh giá cụ thể về hiện tượng phát tiếng nổ và rung động ở khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam thời gian vừa qua.
Trao đổi với Vụ Kinh tế ngành-Văn phòng Chính phủ cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thành lập đoàn công tác gồm các chuyên gia địa chất, vật lý địa cầu hoạt động trong lĩnh vực động đất và tai biến tự nhiên, đã xác định nguyên nhân hiện tượng rung động kèm theo tiếng nổ tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Theo đó, các trận động đất xảy ra ở khu vực Bắc Trà My là động đất kích thích.
Việc xuất hiện động đất kích thích do tích nước ở hồ thủy điện là hiện tượng đã xảy ra nhiều ở Việt Nam và trên thế giới. Ở Việt Nam đã từng quan sát được sự xuất hiện của động đất kích thích có độ lớn M=4,8 tại hồ thủy điện Hòa Bình sau khi tích nước 6-7 tháng. Nhiều động đất nhỏ hơn còn theo dõi được đến 4-5 năm sau với tần suất và độ lớn giảm dần.
Trong trường hợp này, khi ứng suất trong vỏ Trái Đất ở khu vực đã đạt đến trạng thái cân bằng, hoạt động động đất kết thúc, chế độ hoạt động động đất ở khu vực sẽ trở về chế độ hoạt động động đất kiến tạo bình thường. Trên thế giới đã quan sát được động đất kích thích ở nhiều nơi, có trường hợp động đất kích thích kéo dài đến 20-40 năm như hồ Thủy điện Koyna, Ấn Độ.
Đoàn công tác nhận định, khi hồ thủy điện tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới dập vỡ và do đó làm giảm độ bền cắt của các đất đá trong đới. Khi đứt gẫy hoạt động đã ở trong trạng thái ứng suất tới hạn, việc giảm độ bền cắt của đất đá trong đới đứt gẫy (dù là nhỏ) cũng dẫn tới việc xảy ra dịch trượt làm cho động đất phát sinh. Vì lý do này, động đất kích thích do hồ chứa thường xảy ra tại lân cận vùng hồ. Các động đất tại Bắc Trà My trong năm 2011 cũng xảy ra quanh hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Hiện tượng động đất kèm theo tiếng nổ cũng thường gặp khi chấn tâm động đất không quá lớn như đã từng ghi nhận được ở các khu vực Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên.
Số liệu quan trắc động đất tại trạm Huế (Viện Vật lý địa cầu) cho thấy, các dao động ghi được có biên độ sóng S (sóng ngang) lớn hơn nhiều so với biên độ của sóng P (sóng dọc) phản ánh các chấn động được sinh ra trong cơ chế dịch trượt. Do vậy, có thể kết luận rằng các rung động kèm tiếng nổ tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 không có liên quan với hoạt động núi lửa.
Trong thời gian tới, ở khu vực lân cận hồ thủy điện Sông Tranh 2, có thể xảy ra những trận động đất tương tự thậm chí mạnh hơn nhưng có khả năng sẽ giảm dần theo thời gian và không thể vượt quá giá trị động đất cực đại 5,5 richter theo đánh giá khi xây dựng đập Thủy điện Sông Tranh 2.
Hiện tượng rãnh xói, trượt lở đất ven Sông Tranh xảy ra trên bề mặt chủ yếu do quá trình ngoại sinh (xây dựng, khai thác dọc sông) và không liên quan với động đất kích thích vừa qua ở khu vực.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, để kịp thời theo dõi hoạt động động đất trong khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam kiến nghị cần phải đặt 1 hệ thống quan sát động đất với 5 trạm địa chấn và tiến hành các nghiên cứu chi tiết về các tai biến địa chất khác trong quá trình hình thành và khai thác hồ thủy điện (hiện tượng nứt đất, trượt lở đất,...) để đưa ra những kiến nghị thích hợp cho việc vận hành nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, cũng như các kiến nghị về quy mô xây dựng và phát triển bền vững khu vực Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Thời gian quan sát của mạng trạm này kéo dài từ 2 đến 3 năm để có thể định vị một cách chính xác động đất ở khu vực thủy điện, đánh giá xu thế phát triển của hoạt động động đất khu vực.
Theo VGP