Dự lễ công bố có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương;...
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và sự ủng hộ của các nghị viện thành viên Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, diễn ra từ ngày 14-18/9/2023 tại Hà Nội.
Căn cứ Nghị quyết 766/NQ-UBTVQH15 ngày 12/4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Ban Tổ chức hội nghị đã triển khai và cụ thể hóa các nội dung, hoạt động diễn ra tại hội nghị, bảo đảm thực hiện đúng định hướng, đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII về tăng cường đối ngoại đa phương, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Với phương châm "Hữu nghị, trọng thị, chu đáo, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả", Ban Tổ chức hội nghị đã khẩn trương tiến hành các nhiệm vụ, ban hành đề án tổng thể về việc tổ chức hội nghị. Trên cơ sở đó, các tiểu ban, Ban Thư ký quốc gia đã xây dựng các đề án, kế hoạch chi tiết triển khai nhiệm vụ, thực hiện đồng bộ công tác chuẩn bị cho hội nghị.
Để chuẩn bị cho hội nghị lần này, một trong những hoạt động quan trọng khởi đầu là triển khai xây dựng logo, bộ nhận diện và website của hội nghị. Đây là sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam được IPU đánh giá rất cao. Logo sử dụng cho hội nghị lần này được thiết kế để làm nổi bật 2 yếu tố: Thứ nhất là chữ Y, tức là chữ Youth, đại diện cho thế hệ trẻ. Thứ 2 là màu đỏ vàng và ngôi sao 5 cánh, tượng trưng cho quốc kỳ của Việt Nam.
Website của hội nghị tại địa chỉ nghisitre.quochoi.vn được xây dựng với 5 chuyên trang, 8 chuyên mục, thể hiện bằng 2 ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt, có đường link dẫn trực tiếp tới chuyên trang của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại địa chỉ IPU.org.
Với chủ đề chung: "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo", các phiên thảo luận chuyên đề tại hội nghị sẽ tập trung vào 3 nội dung: Chuyển đổi số; khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững. Đây đều là những vấn đề thời sự của thế giới được IPU, nghị viện các quốc gia thành viên và các nghị sĩ trẻ quan tâm.
Thành lập năm 1889, đến nay IPU có 179 nghị viện thành viên. Quốc hội Việt Nam gia nhập IPU năm 1979. Năm 2010, Đại hội đồng IPU-122 tại Bangkok (Thái Lan) thông qua nghị quyết mang tính bước ngoặt về sự tham gia của thanh niên trong tiến trình dân chủ. Trên tinh thần đó, năm 2013, IPU thành lập Diễn đàn Nghị sĩ trẻ. Tiếp đó, năm 2014, IPU thiết lập cơ chế hội nghị toàn cầu hằng năm quy tụ các nghị sĩ trẻ từ khắp nơi trên thế giới - Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu. Cho đến nay, 8 hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu đã được tổ chức với các chủ đề khác nhau.
Việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ lần thứ 9 tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm, chủ động của Việt Nam trong IPU; đồng thời cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.
Nguyễn Hoàng