In bài viết

Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện phát triển điện lực điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030

Ngày 21 tháng 7 năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII). Ngày 3 tháng 8 năm 2010, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VII của Thủ tướng Chính phủ với những nội dung chính sau đây:

04/08/2011 10:07

I. Mục tiêu của Quy hoạch điện VII

1. Mục tiêu tổng quát

Sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể

- Cung cấp đầy đủ nhu cầu điện trong nước, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194-210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh.

- Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020.

- Giảm hệ số đàn hồi điện/GDP từ bình quân 2,0 hiện nay xuống còn bằng 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020.

- Đẩy nhanh chương trình điện khí hóa nông thôn, miền núi đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

II. Các nội dung chính về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2020

1. Về quy hoạch phát triển nguồn điện

a. Định hướng phát triển nguồn điện:

- Phát triển cân đối công suất nguồn trên từng miền: Bắc, Trung và Nam, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện trên từng hệ thống điện miền nhằm giảm tổn thất truyền tải, chia sẻ công suất nguồn dự trữ và khai thác hiệu quả các nhà máy thủy điện trong các mùa.

- Phát triển hợp lý các trung tâm điện lực ở các khu vực trong cả nước nhằm đảm bảo tin cậy cung cấp điện tại chỗ và giảm tổn thất kỹ thuật trên hệ thống điện quốc gia cũng như đảm bảo tính kinh tế của các dự án, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho từng vùng và cả nước.

- Phát triển nguồn điện mới đi đôi với đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ các nhà máy đang vận hành; đáp ứng tiêu chuẩn môi trường; sử dụng công nghệ hiện đại đối với các nhà máy điện mới.

- Đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển nguồn điện nhằm tăng cường cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế.

b. Mục tiêu cụ thể cho phát triển các loại nguồn điện:

- Ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...), phát triển nhanh, từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo. Đưa tổng công suất nguồn điện sử dụng năng luợng tái tạo (không kể thủy điện nhỏ) từ mức không đáng kể hiện nay lên tới khoảng 1.160 MW với điện năng sản xuất chiếm tỷ trọng chiếm xấp xỉ 0,7% vào năm 2020; phát triển điện sinh khối, đồng phát điện tại các nhà máy đường có tổng công suất khoảng 500 MW với tỷ trọng điện sản xuất khoảng 0,6% vào năm 2020.

- Ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp: Chống lũ, cấp nước, sản xuất điện; đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 9.200 MW hiện nay lên 17.400 MW vào năm 2020.

- Nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với sự phát triển của hệ thống điện nhằm nâng cao hiệu quả vận hành của hệ thống: Năm 2020, thủy điện tích năng có tổng công suất 1.800 MW.

- Phát triển các nhà máy nhiệt điện với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu. Trong đó: (i) Nhiệt điện khí thiên nhiên: Đến năm 2020, công suất khoảng 10.400 MW, điện sản xuất khoảng 66 tỷ kWh chiếm tỷ trọng khoảng 20% điện sản xuất của hệ thống; (ii) Nhiệt điện than: Khai thác tối đa nguồn than trong nước cho phát triển các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên sử dụng than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện khu vực miền Bắc. Đến năm 2020, tổng công suất khoảng 36.000 MW, điện sản xuất khoảng 156 tỷ kWh (chiếm khoảng 46,8% sản lượng điện sản xuất), tiêu thụ khoảng 67,3 triệu tấn than.

- Phát triển các nhà máy điện hạt nhân nhằm đảm bảo ổn định cung cấp điện trong tương lai khi nguồn năng lượng sơ cấp trong nước bị cạn kiệt: Đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam vào vận hành năm 2020.

- Phát triển các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm thực hiện đa dạng hóa các nguồn nhiên liệu cung cấp cho sản xuất điện, bảo đảm an ninh cung cấp điện và khí đốt. Năm 2020, công suất nguồn điện sử dụng LNG khoảng 2.000 MW.

- Xuất, nhập khẩu điện: Thực hiện trao đổi điện năng có hiệu quả với các nước trong khu vực, bảo đảm lợi ích của các bên, tăng cường trao đổi để đảm bảo an toàn hệ thống, đẩy mạnh nhập khẩu tại các vùng có tiềm năng về thủy điện, trước hết là Lào, tiếp đến là Campuchia, Trung Quốc. Dự kiến đến năm 2020, công suất điện nhập khẩu khoảng 2200 MW.

c. Cơ cấu nguồn điện theo công nghệ và điện sản xuất:

Năm 2020: Tổng công suất các nhà máy điện khoảng 75.000 MW, trong đó: Thủy điện chiếm 23,1%; thủy điện tích năng 2,4%; nhiệt điện than 48,0%; nhiệt điện khí 16,5% (trong đó sử dụng LNG 2,6%); điện từ năng lượng tái tạo 5,6%; điện hạt nhân 1,3% và nhập khẩu điện 3,1%. Điện năng sản xuất và nhập khẩu khoảng 330 tỷ kWh, trong đó: Thủy điện chiếm 19,6%; nhiệt điện than 46,8%; nhiệt điện khí 24,0% (trong đó sử dụng LNG 4,0%); điện tái tạo 4,5%: điện hạt nhân 2,1% và nhập khẩu điện 3,0%.

2. Về Quy hoạch phát triển lưới điện

a. Định hướng phát triển lưới điện:

- Lưới điện truyền tải được đầu tư đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 cho các thiết bị chính và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quy định tại Quy định lưới điện truyền tải.

- Phát triển lưới điện phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước trong khu vực, bảo đảm kết nối, hòa đồng bộ hệ thống điện Việt Nam với hệ thống điện các nước trong khu vực.

- Lưới điện truyền tải phải có dự trữ, đơn giản, linh hoạt, bảo đảm chất lượng điện năng (điện áp, tần số) cung cấp cho phụ tải.

- Lựa chọn cấp điện áp truyền tải hợp lý trên cơ sở công suất truyền tải và khoảng cách truyền tải.

b. Các mục tiêu cụ thể cho phát triển lưới điện:

- Quy hoạch phát triển lưới điện siêu cao áp: Điện áp 500 kV là cấp điện áp truyền tải siêu cao áp chủ yếu của Việt Nam; Nghiên cứu khả năng xây dựng cấp điện áp 750 kV, 1000 kV hoặc truyền tải bằng điện một chiều giai đoạn sau năm 2020; Lưới điện 500 kV được sử dụng để truyền tải công suất từ Trung tâm điện lực, các nhà máy điên lớn đến các trung tâm phụ tải lớn trong từng khu vực và thực hiện nhiệm vụ trao đổi điện năng giữa các vùng, miền để bảo đảm vận hành tối ưu hệ thống điện.

- Quy hoạch phát triển lưới điện truyền tải 220 kV: Các trạm biến áp xây dựng với quy mô từ 2 đến 3 máy biến áp, xem xét phát triển trạm có 4 máy biến áp và trạm biến áp GIS, trạm biến áp ngầm tại các thành phố lớn; Các đường dây xây dựng mới tối thiểu là mạch kép; đường dây từ các nguồn điện lớn, các trạm biến áp 500/220 kV thiết kế tối thiểu mạch kép sử dụng dây dẫn phân pha.

3. Về hợp tác liên kết lưới điện với các nước trong khu vực

- Thực hiện chương trình hợp tác, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS).

- Liên kết lưới điện với Lào: Khu vực Bắc Lào bằng cấp điện áp 220 kV và 500 kV về hướng Thanh Hóa và Nho Quan (Ninh Bình) và Sơn La; khu vực Trung và Nam Lào bằng cấp điện áp 220 kV và 500 kV về hướng Thạch Mỹ (Quảng Nam) và Pleiku (Gia Lai).

- Liên kết lưới điện với Campuchia: Liên kết mua bán điện qua các cấp điện áp 220 kV và 500 kV tùy thuộc vào công suất.

- Liên kết lưới điện với Trung Quốc: Duy trì nhập khẩu qua các cấp điện áp 110 kV và 220 kV; nghiên cứu nhập khẩu bằng cấp điện áp 500 kV hoặc điện áp một chiều với tổng công suất nhập khẩu khoảng 2.000-3.000 MW.

4. Về cung cấp điện cho khu vực nông thôn miền núi và hải đảo

a. Định hướng phát triển điện nông thôn miền núi và hải đảo:

- Đẩy mạnh điện khí hóa nông thôn nhằm góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

- Sử dụng các nguồn năng lượng mới và tái tạo để cấp điện cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Xây dựng cơ chế quản lý, đầu tư thuận lợi để duy trì và phát triển các nguồn điện ở những khu vực này.

- Tăng cường kiểm soát giá điện nông thôn để đảm bảo thực hiện theo chính sách giá điện do Chính phủ quy định.

b. Mục tiêu cụ thể cho cung cấp điện khu vực nông thôn:

- Giai đoạn 2011-2015: Đầu tư mở rộng lưới điện quốc gia để cấp điện thêm cho 500 nghìn hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo thêm cho khoảng 377 nghìn hộ dân nông thôn.

- Giai đoạn 2016-2020: Đầu tư cấp điện mới từ lưới điện quốc gia cho 200 nghìn hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 231 nghìn hộ dân nông thôn.

5. Về nhu cầu vốn đầu tư cho thực hiện quy hoạch

Để thực hiện mục tiêu và khối lượng quy hoạch được duyệt, dự kiến tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD, trung bình mỗi năm cần khoảng 4,88 tỷ USD). Trong đó:

- Đầu tư vào nguồn điện: Giai đoạn 2011-2020 là 619,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 66,6% tổng vốn đầu tư.

- Đầu tư vào lưới điện: Giai đoạn 2011-2020 là 210,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư.

III. Các giải pháp/cơ chế thực hiện Quy hoạch điện VII

Để thực hiện được Quy hoạch điện VII, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một số giải pháp đồng bộ bao gồm:

1. Các giải pháp bảo đảm an ninh cung cấp điện

- Các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển nguồn điện; Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có trách nhiệm chính trong bảo đảm phát triển hệ thống truyền tải điện của quốc gia.

- Tích cực tìm kiếm bổ sung cho các nguồn khí sẽ suy giảm và cạn kiệt trong thời gian tới. Đẩy nhanh đàm phán với các nước để ký hợp đồng nhập khẩu than ổn định, lâu dài để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.

- Đẩy nhanh phát triển ngành năng lượng hạt nhân và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Phối hợp với các nước và các tổ chức quốc tế để phát triển sử dụng năng lượng hạt nhân, từng bước làm chủ công nghệ và phát triển điện hạt nhân vì mục đích hòa bình.

- Thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính và mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò để nâng cao trữ lượng và khả năng khai thác than, khí đốt và năng lượng tái tạo, bảo đảm a n ninh cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện.

2. Giải pháp tạo nguồn vốn đầu tư phát triển ngành điện

- Từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các doanh nghiệp ngành điện thông qua các giải pháp: Nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp ngành điện, bảo đảm có tích lũy, đảm bảo tỷ lệ vốn tự có cho đầu tư phát triển theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế; tiến tới nguồn huy động vốn chính cho các công trình điện là vốn tự tích lũy của các doanh nghiệp.

- Phát triển các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong ngành điện có tín nhiệm tài chính cao để giảm chi phí huy động vốn cho các dự án điện, tự huy động vốn không cần đến sự hỗ trợ bảo lãnh của Chính phủ.

- Tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để đầu tư các công trình điện, áp dụng biện pháp chuyển tiết kiệm trong nước thành vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn đầu, Nhà nước bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các dự án trọng điểm, cấp bách.

- Thực hiện liên doanh trong và ngoài nước nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tham gia xây dựng phát triển các dự án điện.

- Thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành điện nhà nước không cần giữ 100% vốn.

- Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển các dự án điện. Ưu tiên các dự án FDI có thể thanh toán bằng tiền trong nước, hoặc thanh toán bằng đổi hàng và không yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ.

- Tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, bao gồm: Vốn viện trợ phát triển chính thức ưu đãi, viện trợ phát triển chính thức không ưu đãi, vay thương mại nước ngoài, v.v...

3. Giải pháp về giá điện

- Thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị-kinh tế-xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện. Giá bán điện cần kích thích phát triển điện, tạo môi trường thu hút đầu tư và khuyến khích cạnh tranh trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện.

- Giá bán điện phải bảo đảm thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý (thành phần đầu tư tái sản xuất mở rộng) nhằm bảo đảm các doanh nghiệp ngành điện tự chủ được về tài chính.

- Cải tiến và hoàn thiện biểu giá điện hiện hành theo hướng:

Thực hiện điều chỉnh giá bán điện theo thay của giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái và cơ cấu sản lượng điện phát.

Giảm dần tiến tới bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các miền; nghiên cứu thực hiện biểu giá điện theo mùa và theo vùng.

Bổ sung biểu giá điện hai thành phần: Giá công suất và giá điện năng; trước tiên áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện lớn.

- Giá bán điện cần phải xem xét tới các đặc thù vùng và cư dân các vùng: Biên giới, hải đảo, nông thôn, miền núi... với những điều tiết trợ giá, trợ thuế cần thiết để giảm bớt cách biệt về hưởng thụ năng lượng điện, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa giữa các khu vực và bộ phân dân cư, giữa miền núi và miền xuôi, giữa nông thôn và thành thị, v.v...

4. Giải pháp về đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động điện lực

- Nghiên cứu và triển khai thực hiện các mô hình quản lý ngành điện phù hợp nhằm nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện; nâng cao độ tin cậy trong vận hành hệ thống điện.

- Thực hiện tái cơ cấu ngành điện để từng bước hình thành thị trường điện cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở bảo đảm an ninh cung cấp điện; nhằm giảm chi phí nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện; đưa ra các tín hiệu giá một cách công khai, minh bạch để thu hút đầu tư, phát triển ngành điện bền vững.

Ngoài các giải pháp chính nêu trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định chi tiết về các giải pháp sau:

- Các giải pháp về môi trường;

- Giải pháp và chính sách phát triển khoa học-công nghệ;

- Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực;

- Xây dựng và phát triển ngành cơ khí điện và nội địa hóa;

- Giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân công chi tiết các nhiệm vụ của các Bộ, UBNN các Tỉnh/thành phố trực thuộc TW, các Tập đoàn nhà nước có liên quan, trong việc tổ chức và thực hiện quy hoạch được duyệt.

Quyết định 1208/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành phụ lục chi tiết quy định danh mục các nhà máy điện và các công trình đường dây và trạm lưới điện truyền tải sẽ đầu tư xây dựng trong 10 năm tới để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện theo dự báo.