In bài viết

Công bố quyết định thành lập phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội

(Chinhphu.vn) - Ngày 9/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành lập phân hiệu của trường tại tỉnh Đắk Lắk.

10/03/2019 08:10
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Lễ công bố.
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, việc thành lập phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk có ý nghĩa lớn, không chỉ hứa hẹn là cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà còn cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được học tập chính quy ngay tại trung tâm của khu vực.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị, trường cần có chính sách, kế hoạch cụ thể và dành nguồn lực thích đáng để hoạt động đào tạo của phân hiệu đảm bảo chất lượng ngay từ những khóa đầu tiên; kiện toàn bộ máy đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và hoàn thiện hệ thống về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của địa phương…

Được thành lập từ ngày 10/11/1979, Trường Đại học Luật Hà Nội có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, đang trong quá trình thực hiện Đề án xây dựng thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định số 549/QDD-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Sự ra đời của phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình 40 năm hình thành và phát triển của nhà trường; hình thành một trung tâm về đào tạo cán bộ pháp luật chất lượng cao của trường tại địa phương và khu vực. 

Phân hiệu trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk có diện tích hơn 9 ha, địa chỉ tại số 178 đường Tôn Đức Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột. Theo chỉ tiêu được giao, trong năm học 2019 – 2020, phân hiệu tuyển sinh 430 chỉ tiêu đào tạo bậc đại học ngành Luật (hệ chính quy văn bằng 1, hệ chính quy văn bằng 2, hệ vừa học vừa làm, hệ liên thông từ trung cấp lên đại học) và 50 chỉ tiêu bậc sau đại học ngành Luật Kinh tế. Ngoài ra, trường sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tại địa phương xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, chuyên sâu về pháp luật cho cán bộ của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ pháp chế, cán bộ làm công tác pháp luật./.