In bài viết

Công chức lãnh đạo, quản lý bị xem xét miễn nhiệm khi nào?

(Chinhphu.vn) - Ông Đinh Văn Phúc làm Phó Trưởng phòng tại cơ quan cấp sở. Tháng 4/2021, cơ quan thực hiện sắp xếp lại tổ chức theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, từ 5 phòng xuống còn 4 phòng.

01/11/2024 07:02

Tổng số Trưởng, Phó Trưởng phòng tại thời điểm sắp xếp là 15 người (4 Trưởng phòng và 11 Phó Trưởng phòng), số Phó Trưởng phòng vượt mức quy định là 4 người. 

Tháng 7/2021, cơ quan ông Phúc tiếp nhận 1 công chức từ cơ quan khác chuyển đến và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng phòng (cơ quan còn biên chế chưa tuyển). Như vậy số Phó Trưởng phòng lúc này vượt mức quy định là 5 người. 

Từ năm 2021 đến năm 2024, tổng số biên chế của cơ quan không thay đổi. 

Từ tháng 4/2021 đến tháng 4/2024, cơ quan có 1 Trưởng phòng được bổ nhiệm lên Phó Giám đốc Sở (do có 1 Phó Giám đốc nghỉ hưu), có 1 Trưởng phòng và 2 Phó Trưởng phòng về hưu, không có trường hợp bổ nhiệm mới Trưởng, Phó Trưởng phòng (trừ trường hợp tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Trưởng phòng tháng 7/2021).

Đầu tháng 5/2024, cơ quan ông Phúc có 2 Trưởng phòng và 10 Phó Trưởng phòng, tất cả đều chưa đến tuổi nghỉ hưu (đến tháng 6/2026 mới có người nghỉ hưu) vì vậy cơ quan đã ban hành kế hoạch sắp xếp lại cấp Phó Trưởng phòng, trong đó dự kiến bổ nhiệm 2 Phó Trưởng phòng lên Trưởng phòng và bỏ phiếu tín nhiệm đối với tất cả 8 Phó Trưởng phòng của cơ quan để chọn 1 trường hợp có số phiếu tín nhiệm thấp nhất cho miễn nhiệm chức vụ do vượt mức quy định (từ năm 2021 đến năm 2024, tất cả các Phó Trưởng phòng đều được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên).

Cuối tháng 5/2024, cơ quan ông Phúc đã bổ nhiệm 2 Trưởng phòng, trong đó có 1 người được tuyển dụng và bổ nhiệm Phó Trưởng phòng vào tháng 7/2021. 

Hiện nay, cơ quan ông đang triển khai lấy phiếu tín nhiệm để miễn nhiệm 1 Phó Trưởng phòng. Ông Phúc hỏi, việc bổ nhiệm 1 Phó Trưởng phòng tại thời điểm tháng 7/2021 và việc bỏ phiếu tín nhiệm để miễn nhiệm Phó Trưởng phòng như vậy có đúng quy định không?

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:

Việc bổ nhiệm 1 Phó Trưởng phòng tại thời điểm tháng 7/2021, theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, việc xác định số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở căn cứ vào số biên chế công chức của phòng. Theo đó, đối với trường hợp ông Đinh Văn Phúc nêu trên, đề nghị cung cấp đầy đủ thông tin và liên hệ tới cơ quan ông đang công tác để được giải đáp theo thẩm quyền.

Về việc miễn nhiệm Phó Trưởng phòng, theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, việc xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:

"a) Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;

b) Bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế;

c) Bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo hai lần trong cùng một thời hạn bổ nhiệm;

d) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ;

đ) Các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật".

Như vậy, công chức lãnh đạo, quản lý bị xem xét miễn nhiệm nếu thuộc các trường hợp nêu trên.

Chinhphu.vn