Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Tại Khoản 2, Điều 22 Luật BHYT quy định trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.
Điểm a, Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhóm cựu chiến binh được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT.
Theo Khoản 3, Điều 5 Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, giấy tờ xác định người tham gia BHYT thuộc đối tượng cựu chiến binh phục viên, xuất ngũ gồm có một trong các giấy tờ sau:
- Quyết định phục viên, xuất ngũ (thôi việc);
- Lý lịch cán bộ hoặc bản Trích yếu 63 đối với sĩ quan;
- Lý lịch quân nhân;
- Thẻ quân nhân;
- Phiếu quân nhân;
- Lý lịch đảng viên được lập từ trước ngày cựu chiến binh phục viên, xuất ngũ (thôi việc);
- Quyết định hưởng trợ cấp theo quy định tại một trong các văn bản: Nghị định số 500-NĐ/LB ngày 12/11/1958 của Liên Bộ Quốc phòng – Bộ Tài chính – Bộ Cứu tế Xã hội; Nghị định số 111-NĐ ngày 22/6/1957 của Bộ Quốc phòng; Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 188/2007/QĐ-TTg ngày 6/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 38/2010/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, để chứng minh bản thân thuộc đối tượng cựu chiến binh, đề nghị ông mang một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ để được xem xét và hướng dẫn thủ tục thay đổi mức hưởng trên thẻ BHYT (nếu đủ điều kiện).
Chinhphu.vn