Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vừa ban hành Công điện số 36/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ; các Bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Công thương, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam về việc ứng phó với diễn biến mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh Bắc Bộ.
Nội dung Công điện nêu rõ: Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, từ ngày 13/8 đến hết ngày 16/8, ở Bắc bộ có mưa dông; riêng các tỉnh vùng núi phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 300 mm. Thời gian mưa lớn xảy ra tập trung về đêm và sáng.
Từ ngày 14-17/8, trên thượng lưu sông Hồng có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lên từ 1,5-3,5 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng đạt mức báo động 1 đến báo động 2.
Nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng và Bắc Kạn.
Rút kinh nghiệm đợt lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Yên Bái, Sơn La đầu tháng 8/2017 với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 150-250 mm; tuy nhiên, do mưa lớn kéo dài nhiều ngày trước đó đã làm đất bão hoà nước, cùng với địa hình có độ dốc cao, lũ lên nhanh, cộng với địa chất phức tạp nên đã gây ra lũ quét, sạt lở đất và để lại hậu quả rất nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Hiện nay, nhiều hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện đã tích đầy nước nên nguy cơ cao rủi ro về an toàn công trình và hạ du khi gặp những trận mưa lớn.
Để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và chủ động đối phó với các diễn biến của mưa lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khẩn trương phân công cụ thể các thành viên trực tiếp xuống chỉ đạo chính quyền cơ sở và người dân tổ chức kiểm tra, rà soát ngay những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và các khu vực thường xuyên bị lũ chia cắt để thông tin cảnh báo đến người dân, các đối tượng bị ảnh hưởng và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp; chủ động phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Theo dõi chặt chẽ diến biến mưa lũ; tăng cường thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, các đối tượng bị ảnh hưởng, nhất là vùng sâu, vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh. Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người qua lại tại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường xuyên bị ngập nước; bến đò ngang, đò dọc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhất là tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực thường xuyên bị lũ chia cắt để kịp thời ứng phó khi có yêu cầu.
Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai căn cứ nhiệm vụ được giao, chủ động rà soát kế hoạch, phương án để đảm bảo an toàn cho người, cơ sở hạ tầng và sản xuất, môi trường, sức khoẻ của người dân, cộng đồng trong khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ.
Các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là hệ thống phát thanh, truyền tin ở các thôn, bản tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến mưa lũ; tuyên truyền không để người dân vớt củi khi có lũ; hướng dẫn kỹ năng cho cộng đồng để chủ động phòng tránh và ứng phó phù hợp.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
* Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vừa có Công điện hỏa tốc số 37/CĐ-TW ngày 13/8 gửi các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Bến Tre, Tiền Giang,... chỉ đạo các biện pháp phòng tránh lũ.
Công điện cho biết, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa lũ năm 2017 ở đồng bằng sông Cửu Long đến sớm và lớn hơn trung bình nhiều năm.
Hiện nay, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Chầu 3,22m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,72m. Trong những ngày tới mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục biến đổi, đến ngày 16/8, mực nước cao nhất tại Tân Châu ở mức 3,2m; tại Châu Đốc ở mức 2,6m.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, thích nghi và giảm nhẹ thiệt hại do lũ, nhất là sau nhiều năm đồng bằng sông Cửu Long không có lũ sớm, lũ lớn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nội dung sau.
Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên và ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Thứ hai, tăng cường kiểm tra đê bao, bờ bao, hệ thống kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở và các khu vực xây dựng nhà ở; gia cố ngay những đoạn đê bao và cống đạp còn thấp; cảnh báo và di dời dân tại khu vực sông có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn.
Thứ ba, chủ động thu hoạch diện tích lúa hè thu sớm, nhất là đối với những khu vực thấp, trũng không có đê bao, bờ bao bảo vệ; chủ động bơm tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Thứ tư, xây dựng các kịch bản để chủ động ứng phó với các cấp mực nước, đảm bảo thích nghi, hạn chế thiệt hại.
Thứ năm, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường quan trắc diễn biến mực nước trên các hệ thống sông vùng đồng bằng sông Cửu Long, hằng ngày báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai và các địa phương để phối hợp thực hiện.
Thứ sáu, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, TTXVN, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là hệ thống phát thanh, truyền tin ở các ấp, xã, phường tăng thời lượng đưa tin về diễn biến lũ; hướng dẫn kỹ năng cho cộng đồng để chủ động phòng tránh và ứng phó phù hợp.
Thứ bảy, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
* Ngày 14/8, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN) Bộ Công an có Công điện gửi Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ; Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Tổng cục VIII, K20; C66, C67 về việc ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Nội dung công điện nêu rõ, để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và chủ động ứng phó với các tình huống của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an, Cảnh sát PCCC các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc Công điện số 36/CĐ-TW ngày 13/8/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và chỉ đạo của chính quyền địa phương về đối phó với diễn biến của mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Thứ hai, theo dõi chặt diễn biến của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động ứng phó. Phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực ven sông, suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân đến nơi an toàn.
Thứ ba, triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông, kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông khi cần thiết; bố trí lực lượng tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.
Thứ tư, đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, nơi giam giữ; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ. Chủ động triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc của Công an các đơn vị, địa phương để tránh thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Thứ năm, duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu, di dời sơ tán dân, giúp dân khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
Thứ sáu, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thực hiện chế độ thông tin báo cáo hàng ngày về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an (SĐT 069.23.201.66, 069.23.201.52, Fax 069.23.201.52, 069.23.201.60).
* Ngày 13/8, Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam có điện gửi Bộ Tham mưu các Quân khu 1, 2, 3, 7, 9 và Bộ đội Biên phòng.
Theo đó, để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ, lũ sớm, lũ lớn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, Cục Cứu hộ - Cứu nạn đề nghị:
Thứ nhất, đối với Bộ Tham mưu các Quân khu 1, 2, 3 và Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng: Chỉ đạo các đơn vị vùng núi phía Bắc, thường xuyên cập nhật, nắm chắc diễn biến tình hình mưa lũ, đặc biệt là các tỉnh đã bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua, nay có thể tiếp tục bị lũ quét, sạt lở đất do đợt mưa lũ mới gây ra để tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và các khu vực thường xuyên bị lũ chia cắt nhất là vùng sâu, vùng xa; các hồ chứa bảo đảm vận hành an toàn, các công trình đang thi công không để xảy sự cố.
Tiếp tục sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là các hộ ở ven sông suối, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, tránh tư tưởng chủ quan, bất cẩn dẫn tới thiệt hại về người;
Các đơn vị tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu, phục hồi sản xuất và đời sống;
Duy trì nghiêm túc chế độ trực; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống và cứu hộ, cứu nạn. Bảo đảm an toàn khi sử dụng lực lượng, phương tiện.
Thứ hai, đối với Bộ Tham mưu Quân khu 7 và 9: Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các đơn vị, theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ sớm, lũ lớn; tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương thông tin, cảnh báo đến với người dân nhất là vùng thấp, trũng ven sông để chủ động các biện pháp phòng tránh;
Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kiểm tra các đê bao, bờ bao, hệ thống kênh rạch có diễn biến sạt lở, bảo đảm an toàn hệ thống kho tàng, doang trại của đơn vị.
Sẵn sàng điều động lực lượng giúp dân thu hoạch diện tích lúa hè thu sớm khi địa phương có yêu cầu.
Các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu (qua Cục Cứu hộ - Cứu nạn) để Bộ Quốc phòng theo dõi, chỉ đạo.