Nhân dịp đón chào năm mới 2024, ông Nguyễn Mạnh Đông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã có cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về vai trò của nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong phục vụ phát triển đất nước cũng như những nỗ lực của Ủy ban Nhà nước về NVNONN đối với công tác này trong năm 2023 và những biện pháp đột phá để thu hút hiệu quả hơn nữa nguồn lực kiều bào cũng như phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của đông đảo NVNONN.
Đánh giá về vai trò của nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong phục vụ phát triển đất nước trong năm 2023, ông Nguyễn Mạnh Đông khẳng định, cộng đồng NVNONN, với truyền thống yêu nước, luôn hướng về Tổ quốc, luôn là một nguồn lực quan trọng, có nhiều đóng góp cho tiến trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta trong suốt chiều dài lịch sử. Hiện nay, với khoảng 6 triệu người sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển, cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín của mình. Cộng đồng NVNONN không chỉ đóng góp tích cực vào phát triển của sở tại, mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Nguyễn Mạnh Đông cho biết, đối với đất nước ta, nguồn lực của cộng đồng NVNONN tập trung ở 03 lĩnh vực:
Thứ nhất, đó là nguồn lực về kinh tế. Có thể khẳng định, đây là nguồn lực mang tính truyền thống và phổ biến. Trong khoảng 3 thập kỷ qua, lượng kiều hối mà kiều bào gửi về trong nước đạt trên 206 tỷ đô la, tương đương với lượng vốn FDI được giải ngân trong cùng thời kỳ. Lượng kiều hối này đã góp phần không nhỏ đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ và duy trì an sinh xã hội...
Năm 2023, mặc dù tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn, song theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, kiều hối cả nước đạt mức trên 16 tỷ USD, trong đó riêng lượng kiều hối về TPHCM là 9,46 tỷ USD, cao gần gấp đôi lượng vốn FDI được giải ngân của Thành phố. Bên cạnh đó, kiều bào hiện đang đầu tư 421 dự án FDI về Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,72 tỷ USD, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động các địa phương có đầu tư.
Thứ hai là nguồn lực về tri thức. Cộng đồng NVNONN hiện có khoảng 600.000 người (trên 10%) có trình độ trên đại học, trong đó có nhiều nhà khoa học thành danh trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ, là xu thế phát triển của thế giới như điện tử, chất bán dẫn, vật liệu mới, y sinh học... Nguồn lực này ngày càng phát triển do cộng đồng NVNONN chủ yếu sinh sống tại các quốc gia phát triển, có điều kiện tiếp cận với nền khoa học tiên tiến và trong độ tuổi thích hợp cho việc nắm bắt các công nghệ, xu thế phát triển mới của thế giới. Bên cạnh đó, lực lượng lao động VNONN với kỹ năng, kinh nghiệm và tác phong công nghiệp được rèn luyện ở nước ngoài, sau khi về nước cũng được phát huy, đã và đang trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ ba là nguồn lực văn hóa và kết nối - một nguồn lực mang tính bền vững, lâu dài. 6 triệu NVNONN cũng chính là 6 triệu "sứ giả" văn hóa, đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài thông qua việc gìn giữ, phát huy các bản sắc văn hóa, các tập quán, thói quen sinh hoạt trong gia đình Việt. Vừa hiểu rõ văn hóa Việt Nam, vừa hiểu rõ văn hóa sở tại nơi mình sinh sống, cộng đồng NVNONN có lợi thế quý báu trong việc kết nối nhân dân, nền tảng duy trì quan hệ hữu nghị giữa các nước; kết nối kinh tế, thương mại, quảng bá hàng hóa, sản phẩm... của Việt Nam tại sở tại. Ngoài ra, từ thiện và nhân đạo cũng là lĩnh vực mà kiều bào tích cực tham gia, đặc biệt trong các chương trình từ thiện và hỗ trợ xã hội ở trong nước.
Trong những năm qua, thành tựu phát triển và vị thế của đất nước cũng đã giúp cộng đồng NVNONN ngày càng có địa vị và điều kiện phát triển tốt hơn ở sở tại. Đồng bào ta sống xa Tổ quốc không chỉ tự hào về đất nước, mà còn thấy rõ hơn mối quan hệ hữu cơ giữa vai trò, vị thế của đất nước đối với sự phát triển của chính mình, qua đó có thêm nhiều niềm tin và động lực để đóng góp cho việc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Nắm bắt được xu thế này, đồng thời triển khai chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là "NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam", trong năm 2023, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban bành Đề án "Phát huy nguồn lực của NVNONN phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới". Đề án đã xác định các quan điểm chỉ đạo, phương châm, mục tiêu, các nhóm giải pháp nhằm phát huy nguồn lực quan trọng này, trong đó chú trọng cả việc phát huy và chăm lo, nuôi dưỡng và củng cố, phát huy nguồn lực. Hiện các bộ, ngành và địa phương đang tích cực xây dựng các chương trình hành động để triển khai Đề án và hy vọng việc này sẽ tạo ra bước chuyển quan trọng trong việc phát huy nguồn lực của cộng đồng NVNONN.
Trong năm 2023, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã chủ trì hoặc phối hợp, bảo trợ tổ chức 15 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, chương trình, sự kiện nhằm kết nối, thu hút nguồn lực NVNONN, tập trung vào những vấn đề mang tính đột phá chiến lược như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xanh, tuần hoàn, bao trùm; tăng cường hỗ trợ các hội doanh nhân, trí thức kiều bào tổ chức cách hoạt động gắn kết với trong nước. Nổi bật là phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị "Phát huy nguồn lực NVNONN - kết nối địa phương và doanh nghiệp"; phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia tổ chức Hội thảo "Thu hút nguồn lực NVNONN cho phát triển du lịch"; tham dự, ủng hộ các hoạt động do kiều bào tổ chức như Diễn đàn doanh nghiệp kiều bào lần thứ 2 tại Nhật, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu lần thứ 12 tại Hungary, Đại hội lần thứ 4 Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV)...
Cùng với đó, trong thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những chính sách, pháp luật liên quan đến NVNONN theo hướng tạo thuận lợi cho bà con kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh công tác đại đoàn kết, triển khai tích cực công tác vận động, hỗ trợ kiều bào, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Đông, với sự quan tâm, chăm lo dành cho cộng đồng NVNONN, trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con. Một trong những nội dung được kiều bào đề cập tại các cuộc gặp này là những khó khăn, vướng mắc về các chính sách, pháp luật liên quan. Kết luận 12 về công tác NVNONN trong tình hình mới cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác này là "Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến NVNONN".
Trong thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan, các hội đoàn NVNONN tổ chức nhiều hội nghị, toạ đàm lấy ý kiến trong các lĩnh vực quốc tịch, đất đai, nhà ở, căn cước... phục vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
"Chúng tôi đã tích cực, chủ động đóng góp ý kiến vào các dự thảo sửa đổi các luật liên quan đến NVNONN, đặc biệt là nhiều nội dung đã được Quốc hội 15 thông qua trong thời gian qua, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Căn cước. Hướng sửa đổi phần liên quan đến NVNONN trong các luật này là đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (CDVNĐCONN) như công dân trong nước, quy định các thủ tục, giấy tờ phù hợp với điều kiện sinh sống ở nước ngoài, tháo gỡ các vướng mắc tồn tại, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho NVNĐCONN", ông Nguyễn Mạnh Đông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Đông dẫn chứng: So với Luật Căn cước công dân 2014, để tạo thuận lợi cho việc cấp căn cước cho CDVNĐCONN, Luật Căn cước 2023 quy định thông tin thể hiện trên thẻ CCCD là "nơi cư trú" thay vì "nơi thường trú", tháo gỡ vướng mắc cho CDVNĐCONN không có đăng ký thường trú tại Việt Nam. Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025) có điểm mới là đưa đối tượng CDVNĐCONN cùng nhóm với đối tượng cá nhân công dân Việt Nam. Theo đó, các quyền và nghĩa vụ về đất đai của CDVNĐCONN sẽ ngang bằng với công dân trong nước. Đối với người gốc VNĐCONN, bên cạnh việc vẫn tiếp tục được hưởng các quyền về đất đai, nhà ở thuận lợi hơn người nước ngoài (như được sở hữu không hạn chế số lượng nhà ở gắn với quyền sử đất ở, được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở tại các dự án phát triển nhà ở để tạo dựng nhà ở), Luật Đất đai 2024 đã có quy định mới cho phép người gốc VNĐCONN được nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất ở. Từ quy định nêu trên, CDVNĐCONN cũng được hưởng các quyền đối với nhà ở, quyền kinh doanh bất động sản như công dân trong nước, được quy định tại Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Trong thời gian tới, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm rà soát chính sách pháp luật liên quan, hướng tới hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, giải quyết các vướng mắc và đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của NVNONN.
Đề cập đến vấn đề làm sao để thu hút và phát huy hiệu quả nguồn kiều hối, tạo ra được nhiều giá trị gia tăng, trở thành "lực đẩy" quan trọng đóng góp vào kinh tế Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông cho biết, trong những năm qua, kinh tế thế giới biến động đã ảnh hưởng đến dòng kiều hối chảy vào các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, với các chính sách thông thoáng, linh hoạt về ngoại hối, chính sách khuyến khích NVNONN chuyển tiền về nước, lượng kiều hối hằng năm vào Việt Nam vẫn tăng mạnh. Đây là nguồn ngoại tệ rất quan trọng, góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Nguyễn Mạnh Đông, để thu hút và phát huy hiệu quả nguồn kiều hối, trở thành "lực đẩy" quan trọng đóng góp vào kinh tế đất nước, cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để gắn kết kiều bào với đất nước; có chính sách hợp lý để khuyến khích bà con sử dụng nguồn kiều hối vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong nước như đầu tư, kinh doanh, đặc biệt có thể nghiên cứu việc phát hành trái phiếu ngoại tệ để thu hút nguồn kiều hối này.
Cần tiếp tục duy trì chính sách thông thoáng, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách khuyến khích, thu hút kiều hối tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho NVNONN chuyển tiền về nước, cũng như tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục mở rộng mạng lưới, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, công nghệ...
Cùng với sự phát triển của đất nước, cộng đồng doanh nhân NVNONN đang ngày càng lớn mạnh và hướng về quê hương. Ông Nguyễn Mạnh Đông cho biết, trong những năm qua, đội ngũ doanh nhân NVNONN không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng, đóng góp tích cực, quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động kết nối doanh nghiệp NVNONN với doanh nghiệp trong nước, thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Đông cho rằng, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm bảo hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân kiều bào về nước làm việc, đầu tư kinh doanh; xem xét có các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thích hợp.
Đồng thời, nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm thu hút chuyên gia, trí thức NVNONN có trình độ chuyên môn cao, xây dựng đầu mối về xuất nhập khẩu và hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; kết nối nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; đa dạng hóa hoạt động thu hút đóng góp của cộng đồng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép đầu tư, nhất là ở khâu thực thi, triển khai tại địa phương theo hướng minh bạch, thuận tiện, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, qua đó khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các hoạt động, sự kiện tạo diễn đàn để các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước có cơ hội gặp gỡ, kết nối, trao đổi thông tin, tìm kiếm bạn hàng, hợp tác đầu tư; thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa các cơ quan chức năng địa phương với cộng đồng các doanh nghiệp kiều bào đang đầu tư, kinh doanh tại tỉnh để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.
Cuối cùng là, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin về kiều bào cũng như người Việt Nam đầu tư ở nước ngoài để giúp nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích kiều bào đầu tư phát triển đất nước, cũng như đảm bảo hoạt động đầu tư của người Việt Nam tại nước ngoài, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ trong những trường hợp cần thiết.
Để công tác phát huy nguồn lực của NVNONN phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới có tính đột phá và đạt được hiệu quả, ông Nguyễn Mạnh Đông cho rằng cần tập trung vào 2 nhóm biện pháp, gồm: Các biện pháp nhằm tạo thuận lợi để bà con yên tâm trở về nước, thăm thân, bảo đảm quyền lợi, tài sản của bản thân và gia đình…; các biện pháp tạo môi trường thuận lợi để bà con đầu tư, kinh doanh, làm việc, hoạt động văn hóa - xã hội và hoạt động từ thiện.
Về nhóm biện pháp thứ nhất, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho NVNONN yên tâm về nước sinh sống, làm việc. Qua tổng hợp cho thấy, hiện nay, vấn đề nhập và trở lại quốc tịch Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng nhằm gắn kết kiều bào với trong nước. Đây cũng là nội dung thường xuyên nổi lên trong số các nguyện vọng của kiều bào. Chúng ta sẽ phải nghiên cứu mở rộng hơn các khả năng liên quan đến vấn đề quốc tịch, vừa bảo đảm nguyên tắc luật pháp, vừa tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng mong muốn của NVNONN.
Cùng với đó, cần tiếp tục thúc đẩy việc sửa đổi các luật liên quan đến quyền lợi thiết thân của kiều bào như xuất nhập cảnh, cư trú, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư… theo hướng cởi mở, thuận lợi hơn, phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tinh thần của Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12-KL/TW về công tác đối với NVNONN.
Đối với nhóm biện pháp thứ hai, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thương mại. Để làm được việc này, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo môi trường, thị trường, sân chơi bình đẳng, thuận lợi, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế cho doanh nghiệp kiều bào cũng như các thành phần kinh tế khác. Bên cạnh đó, chú trọng đến giới trẻ kiều bào, có những biện pháp để tạo điều kiện về việc làm, khởi nghiệp cho kiều bào trẻ, lao động VNONN sau khi trở về; tranh thủ vai trò kết nối kinh tế, hiểu biết của người lao động trong kết nối địa phương với địa phương, doanh nghiệp người lao động của địa phương đang hoặc đã từng làm việc.
Đồng thời, việc phát huy nguồn lực phải gắn chặt với việc hỗ trợ, chăm lo và phát huy nguồn lực. Do đó, cũng cần triển khai các chủ trương, biện pháp hỗ trợ kịp thời để nguồn lực của NVNONN không ngừng lớn mạnh. Bên cạnh việc củng cố vị thế của đất nước, cần có các biện pháp hỗ trợ việc củng cố địa vị pháp lý của cộng đồng NVNONN, trao đổi cùng các nước để tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt làm ăn sinh sống tại sở tại, đóng góp cho sở tại và quê hương...
Kiều Liên