In bài viết

Công khai, minh bạch, hài hòa trong bồi thường, thu hồi đất, tái định cư

(Chinhphu.vn) – Hôm nay (03/11), Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Vấn đề thu hồi đất, tái định cư… là những nội dung lớn, thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

03/11/2023 15:46
Công khai, minh bạch, hài hòa trong bồi thường, thu hồi đất, tái định cư - Ảnh 1.

Quốc hội dành cả ngày 3/11 để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho biết, thông qua các kỳ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp cũng như các thông tin dư luận xã hội có thể nói người dân và cộng đồng doanh nghiệp đang rất mong chờ Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.

Những cải cách mạnh mẽ, những chính sách ưu việt trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này tạo ra sự kỳ vọng rất lớn từ phía cử tri, xã hội.

Theo kế hoạch, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy đối với sự hồi phục của thị trường bất động sản cũng như tăng trưởng kinh tế.

Phạm vi điều chỉnh của khái niệm ‘không còn chỗ ở nào khác’?

Quan tâm đến các quy định về điều kiện tái định cư, dẫn chiếu khoản 45 Điều 3 dự thảo quy định: "Tái định cư là việc Nhà nước thực hiện bồi thường bằng đất hoặc bằng nhà ở tại khu tái định cư hoặc địa điểm khác phù hợp với người bị thu hồi mà phải di chuyển hoặc hỗ trợ bằng giao đất, nhà tái định cư cho người không đủ điều kiện bồi thường về đất mà không còn chỗ ở nào khác", Chánh án TAND Thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu quy định như trên thì khái niệm "không còn chỗ ở nào khác" được hiểu là chỗ ở tại địa phương nơi có đất bị thu hồi hay trên toàn quốc?

Việc xác định một người không còn chỗ ở nào khác rất là khó, vì hiện tại trong hệ thống quản lý dữ liệu quốc gia và dân cư chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời nên khó xác định chính xác về một người không còn chỗ ở nào khác. 

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, để đảm bảo nguyên tắc và quyền lợi hợp pháp của người dân và Nhà nước cần giới hạn phạm vi điều chỉnh của khái niệm "không còn chỗ ở nào khác" là chỗ ở trong một địa bàn phạm vi xã, phường nơi có đất bị thu hồi.

Việc sửa đổi này là sự kế thừa, phù hợp với nguyên tắc bồi thường tái định cư tại điểm a khoản 1 Điều 79 Luật Đất đai năm 2013 hiện đang được áp dụng.

Bồi thường đối với trường hợp không thuộc diện thu hồi đất

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 92, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) nêu thực tế hiện nay, việc thực hiện xây dựng các dự án, các công trình giao thông các mức, nhất là cầu vượt và hầm chui gây ảnh hưởng rất lớn đến nhà ở và hoạt động kinh doanh, cuộc sống của người dân tại các khu vực này.

Tuy nhiên, việc xác định mức độ ảnh hưởng, giá trị thiệt hại và việc hỗ trợ đền bù cụ thể chưa có cơ sở pháp lý để có chính sách hỗ trợ đền bù, dẫn đến các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện về đất đai kéo dài.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định bồi thường đối với trường hợp không thuộc diện thu hồi đất nhưng bị ảnh hưởng giảm giá trị sử dụng đất khi đầu tư xây dựng công trình dự án theo Điều 78 và Điều 79. Đồng thời, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết điều này để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện.

Nhất quán trong xác định bồi thường giá đất

Về Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tại điểm c khoản 2 Điều 86 quy định Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư do UBND cấp huyện thành lập đối với từng dự án bao gồm lãnh đạo UBND làm Chủ tịch, đại diện cơ quan tài chính, cơ quan tài nguyên và môi trường, UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi, đại diện của người sử dụng đất có đất bị thu hồi, một số thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quyết định cho phù hợp với thực tế địa phương. Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) cho rằng quy định này chưa hợp lý, không đảm bảo tính logic vì trên thực tế khi UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng, khi đó mới có chức danh Chủ tịch Hội đồng và các thành viên.

Do vậy, đại biểu đề nghị xem xét quy định lại theo hướng "do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định để đảm bảo tính hợp lý". Đồng thời, trong trường hợp cần thiết có thể mời thêm thành viên là đại diện của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tham gia vào Hội đồng.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) lại nhấn mạnh, cần phải quán triệt, nhất quán trong việc xác định bồi thường giá đất theo 2 nguyên tắc. Cụ thể, nguyên tắc thứ nhất, chỉ bồi thường những giá trị đất theo mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để không lẫn lộn giữa các loại đất khi xác định việc bồi thường.

Nguyên tắc thứ hai, tất cả thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ giá trị gia tăng ở trên mảnh đất mà Nhà nước đầu tư và thực hiện quy hoạch, không một ai được hưởng quyền lợi riêng ở đấy.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhận định, nếu như xác định được hai nguyên tắc này thì sẽ khắc phục được sự nhầm lẫn trong bồi thường đất, vì cứ có quy hoạch, có đầu tư là tự động tăng giá đất và đòi giá bất kỳ không có giới hạn.

Khẳng định, sau khi cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp thứ 5, tại kỳ họp lần này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu cơ bản các ý kiến tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và các cử tri, đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) cho biết, nhiều cử tri rất quan tâm đến nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng. Dự thảo luật đã quy định cụ thể các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc phòng, đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Đại biểu Vương Thị Hương nhấn mạnh, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn, đồng thời, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. 

Hải Liên