In bài viết

Công nghệ mới sản xuất chất dẻo phân hủy nhanh

(Chinhphu.vn)- Các nhà khoa học Anh vừa đề xuất một công nghệ có thể trở thành chìa khóa giải quyết một trong những vấn đề sinh thái lớn nhất hiện nay - đó là rác thải từ các túi chất dẻo.

23/02/2010 17:26

Không sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường

Các nhà nghiên cứu Trường Đại học Tổng hợp London đã thành công trong việc biến đường sarcaroza từ các loại cây cỏ tăng trưởng nhanh thành các polymer được sử dụng để sản xuất chất dẻo.

Phần lớn các loại chất dẻo được chế tạo từ dầu mỏ và phải mất hàng nghìn năm chúng mới phân hủy hết trong môi trường tự nhiên. Các loại túi chất dẻo được làm từ các loại thực vật như ngô thì phân hủy nhanh hơn, nhưng vẫn mất nhiều thời gian hơn so với loại chất dẻo được làm từ vật liệu mới. Túi chất dẻo làm từ loại polymer mới chỉ mất vài tháng để phân hủy và thậm chí có thể trộn chúng với các loại phân bón hữu cơ.

Theo các chuyên gia, các loại túi chất dẻo mới có thể xuất hiện trên thị trường trong vòng 5 năm tới.

Rác thải điện tử toàn cầu tăng khoảng 40 triệu tấn/năm

Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP) vừa công bố một báo cáo cho biết rác thải điện tử toàn cầu tăng khoảng 40 triệu tấn/năm, trong đó rác thải máy tính ở Ấn Độ đến năm 2020 dự tính tăng tới 500%  so với mức độ của năm 2007.

Vào năm 2020, rác thải điện tử, trong đó có các loại máy tính cũ, máy in, điện thoại di động, máy nhắn tin, các thiết bị nhạc và ảnh kỹ thuật số, tủ lạnh, đồ chơi và máy vô tuyến truyền hình bị thải hồi ở Trung Quốc và Nam Phi, sẽ tăng tới 400% so với mức độ của năm 2007. Trong 10 năm tới, việc buôn bán các mặt hàng điện tử cũng sẽ tăng nhanh ở các nước đang phát triển.

Theo thống kê của UNEP, Mỹ vẫn là một  nước thải hồi rác điện tử lớn nhất thế giới với khoảng 3 triệu tấn/năm. Trung Quốc đứng thứ hai với khoảng 2,3 triệu tấn/năm. Mặc dù Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập rác điện tử, song nước này vẫn còn  bị coi là "một bãi rác điện tử chủ yếu của các nước phát triển". UNEP dự báo vào năm 2020, lượng rác thải điện tử từ điện thoại di động ở Trung Quốc sẽ cao gấp khoảng 7 lần so với mức độ của năm 2007; ở Ấn Độ cao gấp 18 lần.

Cấp thiết bảo vệ các loài cá mập

Với sự bảo trợ của LHQ, Hiệp định bảo vệ các loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng trong khuôn khổ Công ước bảo tồn các loài động vật hoang dã di cư (CMS) đã được chính phủ 11 nước chính thức ký  kết tại Philippines với hơn 100 nước khác cũng cam kết xem xét ký hiệp định này.

Thư ký chấp hành CMS, Elizabeth Mrema đánh giá Hiệp định vừa được ký kết là công cụ pháp lý đầu tiên trong khuôn khổ CMS có vai trò quyết định để bảo vệ các loài cá mập đang bị khai thác thương mại. Với Công ước này, các cơ quan LHQ và các tổ chức đánh bắt cá mập quốc tế cũng như các chính phủ  trên thế giới cần phối hợp để cứu các loài cá mập sống trên các đại dương khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Theo số liệu của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), số lượng cá mập sống ở Vịnh Mexico và biển Địa Trung Hải đã giảm 90%, ở Tây Bắc Đại Tây Dương đã giảm 75% trong 15 năm qua.

Hố Michigan (nước Mỹ) thuộc hệ thống Đại Ngũ hồ. Ảnh internet

Mỹ chi 2,2 tỷ USD cứu Đại Ngũ hồ

Chính quyền Mỹ đã công bố kế hoạch 5 năm với tổng kinh phí 2,2 tỷ USD để "cứu" hồ Great Lake (Đại Ngũ hồ) đang bị ô nhiễm trầm trọng, đồng thời khôi phục môi trường, hệ sinh thái cũng như nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã.

Bản kế hoạch này do 16 cơ quan cấp liên bang và bang của Mỹ, cùng nhiều tổ chức khoa học và bảo vệ môi trường tham gia xây dựng và đóng góp ý kiến, đặt ra hàng loạt mục tiêu cũng như các hành động cụ thể để làm sạch Đại Ngũ Hồ, cũng như bảo vệ môi trường tại vùng Hồ này nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch và sinh sống của người dân tại đây.

Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2008, ông Barack Obama đã cam kết chi 5 tỷ USD trong một thập kỷ để làm trong sạch nguồn nước ở Đại Ngũ hồ. Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản ngân sách đầu tiên 475 triệu USD cho chương trình này.

Ðại Ngũ hồ (gồm 5 hồ lớn Superior, Michigan, Huron, Erie và Ontario) là hệ thống hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 20% lượng nước ngọt trên trái đất. Đây còn là một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng tại Bắc Mỹ. Tuy nhiên, hệ sinh thái tại đây đang bị phá huỷ trầm trọng. Hiện Mỹ và Canađa đang nỗ lực hợp tác để bảo tồn vùng hồ này.

Nguyễn Linh Đức