Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giai đoạn từ 2018-2022, ngành chăn nuôi phát triển tương đối tốt, duy trì tăng trưởng ở mức bình quân 4,5-5%/năm, đóng góp 22,5-26,7% trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Cũng trong giai đoạn này, số lượng đầu con và sản lượng vật nuôi tăng trưởng tốt. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 6,5%/năm, sản lượng sữa 4,7%/năm và sản lượng trứng 11,9%/năm.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: "Lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng. Các tiến bộ kỹ thuật được công nhận tập trung chủ yếu ở lĩnh vực giống, thức ăn chăn nuôi, chuồng trại, xử lý môi trường chăn nuôi".
Từ năm 2009 đến 2022, ngành chăn nuôi đã có 136 tiến bộ kỹ thuật được công nhận. Trong đó, có 85 tiến bộ kỹ thuật về giống vật nuôi, 6 tiến bộ kỹ thuật về thức ăn chăn nuôi, 20 tiến bộ kỹ thuật áp dụng cho các đối tượng vật nuôi...
Ông Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi nhìn nhận: Việt Nam đi lên từ một nước nông nghiệp, nhưng lại không được thiên nhiên ưu đãi như nhiều quốc gia trên thế giới. Thời tiết khí hậu cực đoan. Trước "cái khó ló cái khôn", người Việt Nam với bản tính cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo… đã biến những bất lợi thành lợi thế để tạo ra nhiều sản vật địa phương vùng, miền nổi tiếng mà nhiều quốc gia mơ cũng không thể có được. Ông Thiếu nhấn mạnh: "Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian luôn duy trì ở mức cao chính là nhờ khoa học và công nghệ, đã áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ mới từ thức ăn, con giống, quy trình nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh và xử lý môi trường".
Hệ thống chăn nuôi lợn 4 cấp (cụ kỵ - ông bà - bố mẹ - thương phẩm) đang hình thành và phát triển mạnh, hiện có 16 doanh nghiệp lớn. Nước ta đã có một số chuỗi sản xuất theo mô hình 4 cấp, với quy mô từ 0,5-2 triệu lợn thịt hàng hóa/chuỗi cho hiệu quả cao, an toàn dịch bệnh.
Ngoài ra, với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ mới trong chăn nuôi và sử dụng nguồn thức ăn chất lượng tốt, nhiều trại chăn nuôi lợn đã có giá thành bằng hoặc thấp hơn Thái Lan. Đặc biệt, trong nuôi gà công nghiệp đã có những trại nuôi giá thành chỉ còn chưa đến 1 USD/kg, thấp hơn cả Thái Lan và EU.
Bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho biết, ở giai đoạn 2020-2023, thông qua thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm, các nhà khoa học đã chọn tạo và giới thiệu vào sản xuất nhiều dòng, giống vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao. Đã có 31 tiến bộ kỹ thuật (TBKT) được Bộ NN&PTNT công nhận, trong đó có 6 dòng, giống lợn mới, 15 dòng, giống gia cầm, 2 TBKT về dinh dưỡng, 5 TBKT lĩnh vực thú y và 3 TBKT về xử lý môi trường chăn nuôi...
Ngành chăn nuôi và thú y cần nghiên cứu dịch tễ học, mô hình mô phỏng, dự báo dịch bệnh, dịch tễ học phân tử các bệnh nguy hiểm; nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ gene để phát triển các loại vaccine thế hệ mới, cải tiến vaccine cũ bằng phương pháp sinh học phân tử...
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi đã trở thành một ngành sản xuất quan trọng, cung cấp cho thị trường các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao (thịt, sữa, trứng), đưa Việt Nam từ chỗ thiếu thực phẩm đến nay đã cung cấp đủ và dư thừa cho tiêu dùng trong nước; một số sản phẩm đã được xuất khẩu. Có được thành công như vậy phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của khoa học và công nghệ.
Thứ trưởng nhấn mạnh, ngành chăn nuôi vẫn duy trì tăng trưởng suốt 10 năm qua, đóng góp gần 27% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, vẫn là một trong những trụ cột lớn của ngành nông nghiệp. Trong đó, khoa học công nghệ đã có những đóng góp quan trọng, tích cực vào sự phát triển đó của ngành chăn nuôi.
"Các nhà khoa học đã rất say sưa, đam mê, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều vấn đề. Đây không phải việc riêng của chăn nuôi mà còn là của cả ngành khoa học. Điều này cũng đặt ra cho lãnh đạo Bộ NN&PTNT một câu hỏi lớn là tìm giải pháp để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, có những sản phẩm khoa học mang tính thời đại", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Trong thời gian tới, để tiếp tục có nhiều kết quả khả quan trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các đại biểu cho rằng, ngành chăn nuôi và thú y cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu ứng dụng các quy trình công nghệ mới, tiên tiến, ứng dụng công nghệ số nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.
Đỗ Hương