Cho đến nay, Thừa Thiên Huế là địa phương có 8 di sản được UNESCO công nhận. Vì vậy, việc ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ, chuyển đổi số trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xác định nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh thực hiện và là giải pháp tối ưu để gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống.
Ông Võ Quang Huy, Phó Chánh văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã ứng dụng hàng loạt công nghệ số hiện đại trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, thay đổi cách thức tiếp cận với di sản như: Hệ thống vé tham quan điện tử; ứng dụng di động phục vụ khách tham quan tại Đại Nội Huế (App Di tích Huế); định danh cổ vật và triển lãm số; ứng dụng công nghệ VR 360o một số địa điểm di tích; hệ thống quét mã QR tra cứu thông tin một số cổ vật, địa điểm đã được số hóa; hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide); số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản…
Theo đó, từ tháng 11/2022, Trung tâm đã khai trương Hệ thống vé điện tử Quần thể Di tích Cố đô Huế (tại địa chỉ: https//eticket.hueworldheritage.org.vn) nhằm hỗ trợ người dân và du khách mua vé điện tử một cách thuận thuận tiện và thanh toán không dùng tiền mặt.
Hệ thống hoạt động 24/7 phục vụ công tác bán vé. Cho tới nay, đã ứng dụng việc bán vé điện tử trên tất cả các điểm tham quan thuộc Trung tâm quản lý. Tại các điểm tham quan có điều kiện về hạ tầng mạng chưa đáp ứng Trung tâm đã đưa vào sử dụng hệ thống máy POS (kết nối sóng 4/5G) để bán vé tham quan, đảm bảo hệ thống vận hành xuyên suốt.
"Tôi chỉ thực hiện một vài thao tác trên điện thoại, thanh toán trực tuyến, tôi đã nhận được mã QR code của vé (được gửi qua email, kèm theo hóa đơn điện tử được xuất cùng lúc) để tham quan các địa điểm di tích. Với tấm vé điện tử tôi dễ dàng quét mã qua cổng kiểm soát điện tử để vào tham quan Đại Nội. Điều này giúp chúng ta giảm phiền hà, không phải mất thời gian chờ đợi tại quầy bán vé truyền thống", chị Nguyễn Thị Hà, du khách cho biết.
Hệ thống vé điện tử thuận lợi cho du khách mua vé mọi lúc, mọi nơi, sử dụng một mã vé để tham quan nhiều điểm; dần dần giảm tải lượng khách ùn ứ tại các quầy bán vé truyền thống vào những dịp cao điểm. Hệ thống giúp tiết kiệm nguồn lực phục vụ công tác bán vé, kiểm đếm, thống kê vé truyền thống; giúp đơn vị quản lý cập nhật số liệu vé bán ra, doanh thu, lượt khách tham quan theo thời gian thực.
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, việc triển khai các nền tảng du lịch thông minh và đưa vào sử dụng vé điện tử là vấn đề cấp thiết và là giải pháp hiệu quả để nâng cao công tác quản lý, điều hành của Trung tâm, quản lý chặt chẽ nguồn thu bán vé, ngăn chặn thất thoát, sai sót trong quá trình đối chiếu, sót vé, giảm phiền hà cho du khách tham quan khi đến tham quan.
Theo anh Võ Quang Huy, Phó chánh văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Đại Nội Huế - với diện tích lên đến hơn 32.000 m2, là một quần thể rộng lớn bao gồm nhiều di tích, hệ thống các trục đường trong Hoàng cung Huế không có tên gọi. Điều này gây khó khăn cho du khách lần đầu tham quan, nếu không có hướng dẫn viên thì khó có thể đi hết các điểm cũng như định vị được vị trí của mình trên bản đồ giấy.
Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm đã triển khai ứng dụng Di tích Huế (App di tích Huế) với chức năng chính của ứng dụng này là hỗ trợ chỉ đường cho du khách trong phạm vi Hoàng Cung Huế. Qua ứng dụng này, du khách được trang bị một hành trang đầy đủ và tiện lợi để tham quan Hoàng Cung Huế. Đối với du khách nước ngoài có thể lựa chọn, chuyển đổi các ngôn ngữ trong quá trình sử dụng app chỉ đường tham quan, bao gồm: Anh, Nhật, Pháp, Trung Quốc.
Theo anh Lê Đình Hoàng, người dân địa phương: "Đây là ứng dụng hữu ích trong hành trình khảm phá di sản. Trong quá trình di chuyển tới điểm cần tham quan, tôi có thể theo dõi thêm các thông tin giới thiệu về các điểm đến một cách đầy đủ và ngắn gọn nhất. Đồng thời, ứng dụng sẽ gợi ý các điểm đến lân cận mà chúng ta có thể quan tâm hoặc thuận tiện cho du khách trong quá trình tham quan, khám phá. Ngoài ra, trên ứng dụng còn có các thông tin tóm tắt về một số địa điểm cần tham quan, một số dịch vụ triển khai, địa điểm cụ thể tại Đại Nội".
Khi muốn tìm hiểu các công trình lịch sử ở đây, du khách tham quan, nhất là khách lẻ quốc tế và khách sử dụng ngôn ngữ hiếm sẽ được hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide) cung cấp nguồn thông tin di sản một cách chuẩn xác với 12 thứ tiếng được phiên dịch.
Hiện nay, các điểm tham quan trong khuôn viên Đại Nội có bố trí mã QR để khách tham quan có thể quét hoặc bấm số để nghe thuyết minh tại địa điểm đó. Ngoài ra, Audio guide còn được bố trí tại lăng Minh Mạng, lăng Khải Định, lăng Tự Đức.
Cùng với ứng dụng trên, Trung tâm còn xây dựng hệ thống Cổng TTĐT Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tại địa chỉ: http://www.hueworldheritage.org.vn), fanpage mạng xã hội để cung cấp các thông tin liên quan đến khảo cổ, tư liệu về lịch sử, văn hóa triều Nguyễn, thường xuyên cập nhật các thông tin hoạt động, các sự kiện của đơn vị này đang tổ chức và của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đây các địa chỉ quan trọng và là nguồn tư liệu quý để khách tham quan, các nhà nghiên cứu hiểu biết thêm nhiều về các thông tin văn hóa, di sản Cố đô Huế; góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu quả công tác quản lý, điều hành; thực hiện có hiệu quả việc quảng bá du lịch của Cố đô đến với thế giới.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ số tại Quần thể di tích Cố đô Huế đã nâng cao trải nghiệm cho du khách khi đến với các điểm tham quan di tích, lăng tẩm, bảo tàng như hướng dẫn đường đi nội bộ, hướng dẫn tham quan, khám phá các điểm đến giúp cho du khách chủ động trong hành trình của mình.
Nhật Anh