|
Nhưng thời gian qua, mới có khoảng 85% diện tích được trồng cây công nghiệp; đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến còn ở mức hạn chế, chưa đạt yêu cầu đặt ra, chưa tương ứng với tiềm năng của Tây Nguyên. Thực tế cho thấy, công nghiệp chế biến ở các tỉnh, vùng Tây Nguyên theo đánh giá của Bộ Công nghiệp, tuy có phát triển, nhưng chỉ mới sơ chế tại chỗ là chính; sản phẩm làm ra kém sức cạnh tranh. Công tác xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng chế biến ở Tây Nguyên còn hạn chế. Công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng cây nguyên liệu chưa được triển khai kịp thời, còn chắp vá. Một số loại cây công nghiệp còn phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện tự nhiên, nhất là khi gặp hạn hán nghiêm trọng, kéo dài, gây tổn thất lớn cho người trồng cây công nghiệp. Kéo theo đó cơ sở công nghiệp chế biến cũng thiếu nguyên liệu cho sản xuất. Đáng chú ý là, giá một số loại nông sản chủ yếu chịu sự tác động của giá thế giới, gây biến động lớn, nhất là cà phê, cao su... làm thiệt hại cho người sản xuất. Theo một số đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm ở vùng Tây Nguyên, muốn phát huy lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, cần tạo sự phát triển của vùng cây công nghiệp gắn với các cơ sở chế biến, gắn với thị trường trong nước và ngoài nước.
Trước hết là, làm tốt công tác quy hoạch diện tích trồng cây nguyên liệu gắn chặt với đầu tư các cơ sở công nghiệp chế biến. Tính toán kỹ việc tăng diện tích cây trồng với việc đầu tư cơ sở chế biến có quy mô thích hợp với công nghệ hiện đại.
Hai là, coi trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ ở Tây Nguyên. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng sâu, vùng xa,vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mở thêm trường nội trú, bán trú và bảo đảm đủ giáo viên cho các trường ở vùng Tây Nguyên.
Ba là, hướng mạnh vào việc xây dựng ngành công nghiệp chế biến thành ngành mũi nhọn, gắn với phát triển vùng nguyên liệu, cần chú trọng đổi mới công nghệ chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, tăng tỷ lệ sản phẩm có hàm lượng chất xám cao và đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị hàng hóa và có sức cạnh tranh cao, nhất là cà phê, cao su, điều, bông sợi... Khuyến khích đầu tư cơ sở chế biến gỗ rừng trồng để kích thích người dân trồng rừng; ưu tiên đầu tư các cơ sở chế biến nông sản có quy mô vừa và nhỏ, có công nghệ hiện đại ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.
Thảo Nguyên