In bài viết

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp với bước đi phù hợp

(Chinhphu.vn) - Sau 37 năm thống nhất đất nước, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Từ thiếu đói, Việt Nam vươn lên trở thành cường quốc xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác. Song để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay, ngành Nông nghiệp cần có những bước đi phù hợp.

30/04/2012 09:27

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông của LHQ (FAO) và chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, những người tâm huyết và quan tâm tới công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong giai đoạn mới, đã dành cho phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ cuộc trao đổi ngắn về những vần đề liên quan.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Xây dựng nông nghiệp theo hướng hiện đại

Bước sang giai đoạn phát triển mới, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011-2020), phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; xây dựng nông thôn có kêt cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đời sống của cư dân nông thôn không ngừng được nâng cao.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Việt Nam đang tích cực cơ cấu lại nền nông nghiệp, tập trung khai thác tốt nhất các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, giảm tổn thất sau thu hoạch; đổi mới chính sách đất đai; có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng, nước, phân bón, hóa chất, thích ứng với tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính  phủ

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Tăng đầu tư cho nông nghiệp

Công nghiệp hóa chỉ đơn giản là chuyển hóa từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, do vậy cái bắt đầu ấy là nông nghiệp. Song ở nước mình nông nghiệp chưa được coi trọng đúng mức. Nếu coi trọng đúng mức thì chúng ta hãy nhìn vào vốn đầu tư trong nông nghiệp. Đáng lẽ nó phải tỷ lệ thuận với tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng nó lại cứ giảm dần theo từng năm.

Tuy nhiên, đầu tư cho nông nghiệp cũng chỉ là một khía cạnh để cho nông nghiệp phát triển, khởi điểm phải là tư duy cái đã. Phải đặt vị trí nông nghiệp trong quá trình CNH thế nào.

Cơ chế của ta chưa tạo được cái lợi cho nông dân, cho những người sản xuất trực tiếp mà tạo lợi lớn cho khâu trung gian, tức là khâu phân phối. Ở đây, nó liên quan đến vấn đề hỗ trợ cho nông nghiệp. Tôi cho rằng nên đưa thẳng cho nông dân.

Tóm lại, câu chuyện phát triển nông nghiệp, từ tư duy đến chính sách, từ nông nghiệp đến công nghiệp và dịch vụ, từ trong nước đến toàn cầu, vẫn tiếp tục cần nghiên cứu tìm câu trả lời thỏa đáng.

Ông Steven Jaffee, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới:

Hướng tới giá trị bền vững

Việt Nam là quốc gia thành công trên thế giới đạt được được mục tiêu giảm nghèo, phát triển nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên tính bền vững chưa cao. Phải hiểu rằng, an ninh lương thực không chỉ là đủ mà còn là an toàn chất lượng. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cũng phải xem xét đến thay đổi này, và cả những thay đổi liên quan tới đô thị hóa, công nghiệp hóa…Thị trường muốn có những sản phẩm bền vững, chất lượng nên phải phát triển phù hợp với tầm nhìn của thế giới.

Làm thế nào để kết nối được 4 nhà? Nông nghiệp Việt Nam cần phải đi theo hướng chủ đạo phát triển bền vững, phù hợp, thống nhất với tầm nhìn về một nền kinh tế công nghiệp hiện đại. Muốn vậy, phải cân đối tốt hơn mục tiêu quốc gia với các các mối quan tâm về hộ gia đình ở nông thôn và quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh việc áp dụng một cách hệ thống liên kết 4 nhà Việt Nam cũng cần tái cấu trúc không chỉ trong sản xuất mà còn cần phải đầu tư vào khâu thương hiệu để tạo vị thế mới cho nông sản Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đưa sản phẩm của Việt Nam an toàn, chất lượng cao và ổn định, sản xuất bền vững và nguồn cung đảm bảo… phải trở thành ý niệm trong tâm trí người tiêu dùng thế giới.

Các giải pháp chuyền đổi cần áp dụng hiện nay là canh tác tốt và sản xuất theo quy mô lớn (việc xây dưng cánh đồng mẫu lớn là một trong những phương thức đạt đến điều này); xây dựng lại ngành chăn nuôi có khả năng cạnh tranh; lồng ghép vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn vào chuỗi trị nông sản; chuẩn bị cho người dân nông thôn tham gia vào một  nền kinh tế đang hiện đại hóa và đa dạng hóa.

Tổng Giám đốc FAO, ông José Graziano da Silva

Ông José Graziano da Silva, Tổng Giám đốc FAO:

Cần tăng cường chính sách cho nông nghiệp

Thực tế cho thấy, tham gia vào chuỗi giá trị đang là xu thế phổ biến hiện nay, giúp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội to lớn, kể cả đối với các nước đang và kém phát triển. Người nông dân khi tham gia vào chuỗi giá trị, bên cạnh việc cần hỗ trợ vốn, thông tin và phương tiện, họ cần phải có một năng lực và khả năng để thích nghi với sự biến đông của thị trường.

Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường chính sách phát triển nông nghiệp cho người nghèo và phát triển nông thôn bao gồm nuôi trồng gia súc và thủy sản, phát triển chuỗi giá trị, tăng cường các tổ chức và sự hỗ trợ cho nông dân để nâng cao để nâng cao khả năng thương thảo mua bán cho họ, cũng như tăng cường nguồn vốn nông thôn, các chương trình bảo hiểm nông nghiệp cũng là những lĩnh vực then chốt cần quan tâm triển khai ngay lập tức.

Đỗ Hương thực hiện