In bài viết

Cộng nối thời gian công tác khi thay đổi nơi làm việc

(Chinhphu.vn) - Ông Dương Thanh Hải (duonghaikt@...) bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội tại 1 doanh nghiệp nhà nước từ tháng 10/2000. Tháng 10/2003, ông Hải được hưởng lương hệ số 2,67. Tháng 5/2007, ông Hải chuyển công tác và ký hợp đồng lao động với Ban quản lý Dự án giảm nghèo khu vực miền Trung, tỉnh Kon Tum, hưởng lương hệ số 2,34.

19/09/2012 17:31

Tháng 12/2009, ông Hải chấm dứt hợp đồng lao động với Ban quản lý Dự án và ký hợp đồng lao động với Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng TP. Kon Tum, hưởng hệ số lương 2,34.

Ông Hải muốn biết bản thân có được điều chỉnh lên hệ số lương mức 2,67 và cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2000 đến nay không? Nếu được, ông cần làm những thủ tục gì?

Vấn đề ông Hải hỏi, luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời:

Nếu sự việc đúng như ông Dương Thanh Hải phản ánh, thì sau khi chấm dứt HĐLĐ ở doanh nghiệp nhà nước vào tháng 5/2007, ông Hải đã lần lượt làm việc tại 2 đơn vị sự nghiệp của nhà nước khác nhau theo chế độ hợp đồng lao động, không phải là trường hợp được điều động, luân chuyển, tuyển dụng vào viên chức theo chỉ tiêu biên chế và ký kết hợp đồng làm việc viên chức theo quy định tại Nghị định 116/2003/NĐ-CP và Nghị định 121/2006/NĐ-CP, do vậy ông không phải là đối tượng được bảo lưu hệ số lương và thời gian giữ bậc lương đã hưởng tại doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Thông tư 79/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối với các trường hợp chuyển công tác từ công ty nhà nước vào làm việc tại đơn vị sự nghiệp của nhà nước.

Từ tháng 5/2007, ông Hải làm việc tại Ban Quản lý dự án giảm nghèo khu vực miền trung tỉnh Kon Tum, ông được xếp lương loại viên chức A1 (trình độ đại học) bậc 1, hệ số 2,34, tại bảng lương chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp của nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Khi chưa đến thời hạn được xét nâng lương bậc 2 (hệ số 2,67) tại đơn vị này, thì tháng 12/2009 ông đã thôi việc.

Từ tháng 12/2009, ông Hải làm việc tại Hội đồng giải phóng mặt bằng tỉnh Kon Tum, được xếp lương bậc 1, hệ số 2,34. Nếu trong thời gian 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc 1 ông hoàn thành nhiệm vụ, không bị kỷ luật, thì đến tháng 12/2012 tới đây ông sẽ được xét nâng lương lên bậc 2, hệ số 2,67.

Về bảo hiểm xã hội: Ông Hải bắt đầu tham gia đóng BHXH bắt buộc tại doanh nghiệp nhà nước từ tháng 10/2000 đến tháng 5/2007. Khi chấm dứt HĐLĐ tại doanh nghiệp, nếu ông Hải đã được chốt sổ BHXH, chuyển sổ BHXH đến Ban Quản lý dự án giảm nghèo khu vực miền trung tỉnh Kon Tum để tiếp tục đóng BHXH và khi chấm dứt HĐLĐ tại đơn vị này nếu ông cũng đã được chốt sổ BHXH, chuyển sổ BHXH đến Hội đồng giải phóng mặt bằng tỉnh Kon Tum để tiếp tục tham gia đóng BHXH tại đơn vị đó, thì thời gian đóng BHXH tại mỗi đơn vị đã làm việc sẽ được cộng nối với nhau làm căn cứ tính hưởng chế độ BHXH.

Chốt sổ BHXH là việc đại diện cơ quan BHXH và đại diện đơn vị sử dụng lao động cùng ký tên, đóng dấu xác nhận vào sổ BHXH về thời gian người lao động đã tham gia, đóng BHXH khi họ làm việc tại đơn vị. Để chốt sổ BHXH cho người lao động khi chấm dứt HĐLĐ thì đơn vị đã sử dụng lao động phải đóng nộp đủ tiền BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH cho cơ quan BHXH.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

>> Thời gian công tác để tính hưởng BHXH

>> Việc bảo lưu hệ số lương khi thay đổi công việc

>> Hướng dẫn cộng nối thời gian công tác để tính hưởng BHXH

>> Chuyển cơ quan có được giữ bậc lương?

>> Trường hợp được cộng nối thời gian công tác để tính BHXH

>> Cách tính lương hưu với trường hợp được cộng nối thời gian công tác

>> Cộng nối thời gian công tác để tính hưởng BHXH

>> Việc bảo lưu hệ số lương khi thay đổi công việc

>> Xếp lương trường hợp chuyển công tác từ doanh nghiệp vào cơ quan nhà nước