In bài viết

Công tác dân vận cần hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân

(Chinhphu.vn) - Ngày 14/7, tại TP. Đà Nẵng, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác dân vận 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài chủ trì hội nghị.

14/07/2023 16:50
Công tác dân vận cần hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân - Ảnh 1.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài lưu ý, công tác dân vận cần hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân - Ảnh: VGP/Nhật Anh

6 tháng đầu năm 2023, công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục có đổi mới, chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, kịp thời thể chế hóa các văn bản của Trung ương và cấp ủy cấp trên phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị.

Hệ thống dân vận các cấp đã chủ động, phối hợp tốt với chính quyền, các cơ quan, ban, ngành tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành, tham gia tích cực chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo quốc phòng-an ninh, an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước có nhiều đổi mới theo hướng gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân, tập trung cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tiễn, hoạt động giám sát, phản biện xã hội có nhiều kết quả tích cực; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có nhiều chuyển biến.

Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã có sự gắn kết chặt chẽ, tạo sức lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội. Số liệu thống kê cho thấy, cả nước có 139.062 mô hình đăng ký; số mô hình được công nhận là 36.181 tập thể, 16.187 cá nhân.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ thực tiễn công tác của địa phương, đơn vị; bổ sung, chia sẻ kinh nghiệm trong chỉ đạo, thực hiện, làm sâu sắc thêm kết quả; đóng góp những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện công tác dân vận trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài khẳng định, trong 6 tháng đầu năm, công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác dân vận của hệ thống chính trị vẫn còn một số hạn chế, trong đó có việc nắm tình hình ở cơ sở, trong công tác xây dựng, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong xây dựng, phát huy vai trò lực lượng cốt cán trong tôn giáo ở một số địa phương. Đây là nội dung mà toàn ngành dân vận cần phải quan tâm nhiều hơn nữa để khắc phục trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nêu ra 6 nhóm nhiệm vụ cơ bản, trong đó yêu cầu ban dân vận các tỉnh ủy, thành ủy kịp thời tham mưu cho cấp uỷ sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương; thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của các ban chỉ đạo về công tác dân vận, công tác tôn giáo.

Riêng với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tôn giáo, Trưởng Ban Dân vận Trung ương lưu ý, ngoài việc tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc, cần đặc biệt chú trọng công tác vận động, tuyên truyền và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và cốt cán trong các tôn giáo.

Ban dân vận các cấp cần tham mưu cấp ủy chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, đặc biệt là quan tâm ở những địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về công tác dân vận cho cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận các cấp, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý tình huống công tác dân tộc, tôn giáo ở cơ sở.

Làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, điển hình và đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" theo hướng thiết thực hơn nữa gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; quan tâm vận động nhân dân thực hiện việc nuôi trồng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

Nhật Anh