Công tác khuyến nông góp phần xây dựng nông thôn mới
Ngày 16/2, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác khuyến nông năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012. TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia cho biết, năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị định 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến nông, triển khai theo hình thức dự án. Nhiều địa phương đã thấy rõ trách nhiệm và có sự quan tâm, bố trí kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông cao hơn các năm trước. Nhiều tỉnh đã ban hành chính sách khuyến nông rất cụ thể và sát hợp với thực tế, thiết thực với cán bộ khuyến nông và nông dân ở địa phương.
Các chương trình, dự án và các hoạt động khuyến nông được xây dựng phù hợp với nhu cầu thực tế sản xuất, do vậy khi triển khai đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và tham gia của bà con nông dân. Đây chính là tiền đề đảm bảo cho sự thắng lợi của công tác khuyến nông.
Hệ thống tổ chức khuyến nông các cấp tiếp tục được củng cố và tăng cường, đặc biệt là mạng lưới khuyến nông cơ sở. Đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp hầu hết có kinh nghiệm, thường xuyên lăn lộn, bám sát thực tiễn sản xuất ở địa phương, cơ sở, tổ chức triển khai các hoạt động khuyến nông thiết thực, có hiệu quả cho nông dân. Tổng số cán bộ, khuyến nông viên ở các địa phương trong cả nước tính đến hết năm 2011 là 34.747 người, tăng 3% so với năm 2010. Cùng với đó là hệ thống 780 Câu lạc bộ khuyến nông tại các địa phương đã phát huy hiệu quả, thu hút, tập hợp nông dân để phổ biến thông tin về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất.
Việc chuyển đổi cơ chế khuyến nông từ đầu tư theo kế hoạch hàng năm sang đầu tư theo các chương trình, dự án khuyến nông ổn định 2-3 năm bước đầu đảm bảo tính tập trung, ổn định, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải trong hoạt động khuyến nông. Năm 2011, tổng kinh phí khuyến nông Trung ương đầu tư cho hoạt động khuyến nông là 222 tỷ đồng; kinh phí khuyến nông Trung ương đầu tư qua hệ thống khuyến nông địa phương là trên 77 tỷ đồng; tổng kinh phí đầu tư cho khuyến nông từ nguồn ngân sách địa phương đạt gần 185 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn kinh phí khuyến nông từ ngân sách nhà nước, hệ thống khuyến nông còn tranh thủ thu hút kinh phí từ các nguồn viện trợ, tài trợ để hoạt động đã góp phần tăng cường năng lực, đổi mới phương thức hoạt động khuyến nông các cấp.
Các dự án khuyến nông Trung ương được thực hiện theo quy mô vùng, miền, quốc gia và được thực hiện trong 3 năm (2011-2013), tập trung vào các cây trồng, vật nuôi trọng điểm của ngành. Trong năm 2011, có tổng số 86 dự án khuyến nông Trung ương được phê duyệt, trong đó Trung tâm khuyến nông quốc gia chủ trì triển khai 29 dự án; các đơn vị trực thuộc Bộ chủ trì triển khai 25 dự án; các đơn vị ngoài Bộ triển khai 32 dự án.
Việc tổ chức xây dựng các mô hình trình diễn cũng được đẩy mạnh và đạt kết quả rõ rệt. Hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở đã tiến hành xây dựng hàng nghìn mô hình trình diễn thuộc các lĩnh vực sản xuất có ưu thế của từng vùng, từng địa phương. Nội dung mô hình tập trung ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới, chuyển đổi cơ cấu sản xuất để tăng hiệu quả và phát triển bền vững; áp dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến và đồng bộ, công nghệ cao trong nông nghiệp; các quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư về việc xây dựng mô hình nông thôn mới ở 11 xã điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Trung tâm khuyến nông quốc gia chủ trì, phối hợp với 10 Viện tại các vùng triển khai xây dựng các mô hình khuyến nông. Kết quả cho thấy, các mô hình đều được triển khai đạt kết quả tốt phù hợp với điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, nông dân được tập huấn, đào tạo nghề và phát triển sản xuất theo hướng tổ, nhóm hợp tác để từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Một số hoạt động nổi bật của công tác khuyến nông năm 2011 như: tổ chức 6 hội thi về nông nghiệp và khuyến nông thu hút trên 7.500 lượt nông dân của 46 tỉnh, thành phố tham gia; Tổ chức 7 Hội chợ nông nghiệp quy mô vùng, miền thu hút 917 đơn vị doanh nghiệp tham gia; Tổ chức 20 diễn đàn khuyến nông @ thu hút gần 4.900 nông dân tham dự. Ở các địa phương đã tổ chức được gần 1.300 lớp tập huấn khuyến nông gắn với tham quan học tập cho gần 42.000 cán bộ khuyến nông các cấp, cộng tác viên khuyến nông và 22.400 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp gắn với mùa vụ sản xuất tại các địa phương thu hút trên 1 triệu lượt nông dân tham gia.
Tuy nhiên, theo TS Phan Huy Thông, hệ thống khuyến nông hiện nay còn chưa ổn định, thống nhất. Cụ thể là ở Trung ương, hoạt động này còn phân tán, chưa có đầu mối thống nhất đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước. Còn tại một số tỉnh, tổ chức khuyến nông chưa được quan tâm xây dựng đồng bộ, đặc biệt là tuyến huyện và cơ sở. Nguyên nhân là do cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến nông còn mang tính bình quân, dàn trải; kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông còn thấp so với nhu cầu thực tế...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao những đóng góp của công tác khuyến nông trong năm 2011. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác khuyến nông nói chung và cán bộ làm công tác khuyến nông nói riêng đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đưa những tiến bộ khoa học công nghệ về với bà con nông dân, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và gia tăng giá trị sản xuất cho nông dân nước ta.
Bộ trưởng Cao Đức Phát tin tưởng và hy vọng rằng, trong năm 2012, hệ thống khuyến nông từ Trung ương tới cơ sở tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục đổi mới, gắn hoạt động đào tạo, tập huấn với xây dựng mô hình trình diễn để nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông các cấp, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin truyền thông và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khuyến nông./. |