In bài viết

Công tác tiếp công dân chuyển biến; khiếu nại tố cáo vẫn còn nhiều 'điểm nóng'

(Chinhphu.vn) - Sáng 13/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

13/09/2022 15:48
Tiếp công dân nhiều chuyển biến, khiếu nại tố cáo vẫn còn nhiều 'điểm nóng' - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Làm tốt cơ chế hoà giải và thương lượng trong quan hệ dân sự - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Chủ tịch tỉnh tiếp dân cao hơn 21% so với 5 năm trước đó

Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết: Trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, tiếp công dân đột xuất của người đứng đầu cơ quan hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2022, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trực tiếp tiếp công dân chiếm 79,3% so với quy định. Trong đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp 77% so với quy định, cao hơn 21% so với bình quân 05 năm trước đó.

Báo cáo số 286/BC-CP ngày 23/8/2022 của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022, trong số vụ việc đã được giải quyết, tỉ lệ công dân khiếu nại có yếu tố đúng là 17,1%, tố cáo có yếu tố đúng 19,7% thấp hơn khá nhiều so với bình quân 5 năm trước ; thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan hành chính các cấp trong 5 năm (2016-2021) đã chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ việc nhưng riêng đối với năm 2022, đã chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự 31 vụ việc, 34 đối tượng, trong đó có 13 cán bộ, công chức có sai phạm.

Việc thực hiện tiếp nhận, xử lý kiến nghị phản ánh về cơ bản đã được các bộ ngành, UBND các địa phương thực hiện tương đối đầy đủ, đúng quy định, trong số 16 bộ, ngành có báo cáo, đã giải quyết được 41.032/42.135 đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 97,38%. Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ quan, số lượng đơn kiến nghị, phản ánh gửi đến các bộ, ngành và UBND các cấp là 1.669.108 đơn kiến nghị, phản ánh, gấp 4 lần số đơn khiếu nại, gấp 9 lần số đơn tố cáo nhưng chưa được quan tâm đúng mức; việc thống kê, báo cáo kết quả xử lý kiến nghị, phản ánh chưa được thực hiện đầy đủ.

Khiếu nại, tố cáo về đất đai vẫn là ‘điểm nóng’, khiếu nại về tư pháp diễn biến phức tạp

Tuy nhiên, báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Đó là, khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai tiếp tục là một điểm nóng, nhất là ở các địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công lớn, các dự án phát triển kinh tế-xã hội và tập trung ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều dự án phải thu hồi, bồi thường đất.

Tình trạng khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản đối với các dự án bất động sản du lịch, nhà ở thương mại sẽ tiếp tục có diễn biến hết sức phức tạp do các quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực này chưa thực sự đồng bộ, tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến tranh chấp.

Các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực môi trường tiếp tục gia tăng, nhất là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng nguyên vật liệu, khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường gần khu dân cư sinh sống.

Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực hành chính, việc xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tiếp tục gia tăng đòi hỏi các cấp, các ngành quan tâm hoàn thiện thể chế và tổ chức, bộ máy cơ quan tư pháp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền tư pháp.

Tiếp công dân nhiều chuyển biến, khiếu nại tố cáo vẫn còn nhiều 'điểm nóng' - Ảnh 2.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh: Phải làm cho những số liệu trong báo cáo 'biết nói' - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Làm cho số liệu của báo cáo... ‘biết nói’

Cho ý kiến về báo cáo của Đoàn giám sát, Trưởng ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh bày tỏ băn khoăn về tỉ lệ văn bản chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết còn chưa đúng thì việc đôn đốc thế nào, có hiệu quả không?

Bà Thanh cũng đề nghị, làm rõ các số liệu trong báo cáo và làm cho số liệu "biết nói" thì công sức của Đoàn giám sát mới xứng đáng, giải quyết được căn bản các vấn đề mà báo cáo nêu lên.

Đánh giá về phần nêu thực trạng và kết quả của báo cáo cho biết, có bộ, ngành mà Bộ trưởng không tiếp công dân buổi nào hoặc có tỉnh không có thông số nào về việc Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân.

Đối với phần kiến nghị của báo cáo giám sát, bà Thanh nêu rõ, báo cáo cần nêu bật những vấn đề như việc tiếp dân của Chủ tịch UBND xã kết quả rất thấp thì báo cáo giám sát phải nêu được nguyên nhân, đồng thời chỉ rõ giải pháp khắc phục được khó khăn, nhất là phần bố trí cán bộ tiếp công dân phải đạt yêu cầu về năng lực, trình độ, phẩm chất và chế độ đãi ngộ thì mới bảo đảm cho công tác tiếp công dân mới được nâng lên.

"Chỗ nào còn yếu kém, khó khăn, chưa tốt phải có kiến nghị cụ thể, để các cơ quan sau khi nhận được Nghị quyết này thấy được sự "sốt ruột" mà triển khai thực hiện hiệu quả công tác này", bà Thanh bày tỏ.

Làm tốt cơ chế hoà giải và thương lượng trong quan hệ dân sự

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chỉ ra tình trạng đơn thư chuyển "lòng vòng" vì sai địa chỉ cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Vì thế, cần sửa đổi pháp luật theo hướng, cơ quan nào nhận được đơn thư của công dân mà nhận thấy chưa đúng địa chỉ cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì hướng dẫn công dân gửi đơn thư đến đúng cơ quan nào là nơi có thẩm quyền giải quyết. Có như vậy mới giải quyết được tình trạng đơn thư lòng vòng hiện nay.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu thực trạng, báo cáo nêu rõ một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc định kỳ tiếp công dân, đặc biệt ở cấp xã, tỉ lệ xử lý đơn chưa cao. "Vậy hệ thống chính trị ở đâu mà để nhân dân khiếu kiện lên cấp trên, việc xử lý các kết luận, chỉ đạo của cấp trên còn thấp là do đâu?", Phó Chủ tịch đặt vấn đề.

Quan tâm giải quyết có lý, có tình các đơn thư khiếu kiện ngay từ cấp cơ sở. Phó Chủ tịch phản ánh, có địa phương lãnh đạo không dám đi cổng chính mà đi cổng phụ vì người dân đến khiếu kiện nên phải tránh.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề giám sát này và nỗ lực của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong chỉ đạo Đoàn giám sát đối với chuyên đề này do Ban Dân nguyện chủ trì thực hiện.

Theo Chủ tịch Quốc hội, sau báo cáo giám sát phải tạo chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực này, là cơ sở để giám sát, tạo hiệu ứng và kết quả cụ thể đối với công tác này, nhất là Nghị quyết cần chỉ rõ những việc phải làm, ai làm, làm như thế nào, bao giờ xong…

Đồng thời, xem lại tính khả thi của một số văn bản quy phạm pháp luật về công tác đối thoại và tiếp công dân. Là quy định phù hợp mà không thực hiện được hay quy định không phù hợp?

Về đơn thư phải nêu rõ, nhất là thực trạng "vượt cấp", "lòng vòng", làm tốt cơ chế hoà giải và thương lượng trong quan hệ dân sự.

Tiếp công dân nhiều chuyển biến, khiếu nại tố cáo vẫn còn nhiều 'điểm nóng' - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Có giải pháp để hạn chế đơn thư "cầu may"

Ông Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Đoàn giám sát. Kết quả giám sát này sẽ tăng lên nếu đưa ra giải pháp đối với các bộ, ngành, địa phương khi có cơ chế để giải quyết được số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo không đúng. Qua đó, sẽ giảm được nhân lực và nguồn lực để giải quyết lượng đơn thư không đúng này.

Về đơn thư đề nghị thực hiện giám đốc thẩm, tái thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, thực tiễn chỉ xét xử 2 cấp, nhưng có hiện tượng là cứ hết sơ thẩm, phúc thẩm là gửi đơn để tái thẩm hoặc giám đốc thẩm làm cho việc xử lý đơn thư này mất nhiều thời gian của cơ quan tố tụng, mà số lượng các đơn tái thẩm, giám đốc thẩm có căn cứ để kháng nghị rất ít.

Phó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến kiến nghị có nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để hạn chế tái thẩm, giám đốc thẩm để hạn chế đơn thư "cầu may" làm cho số lượng đơn thư tồn quá nhiều.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Chính phủ đánh giá cao việc Quốc hội rất quan tâm đến tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Chính phủ luôn xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, đã có nhiều chỉ đạo để các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Đoàn giám sát để tổ chức thực hiện đầy đủ.

Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của báo cáo mà Đoàn giám sát chỉ ra. Đồng thời, đề nghị Đoàn giám sát cũng tổng hợp, tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, địa phương để báo cáo giám sát thực sự hiệu quả bởi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị đối với công tác này.

Lê Sơn