Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi.
Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết những điểm nhấn trong 25 năm hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách mà ngành tư pháp đã đạt được?
Thứ trưởng Mai Lương Khôi: Ra đời từ những năm cuối của thế kỷ XX theo Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay trải qua 25 năm hình thành và phát triển, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) đã thực sự đi vào đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo và các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế.
Trong 25 năm hình thành và phát triển, hoạt động TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách có thể kể đến một vài "điểm nhấn" sau đây.
Một là, trong quá trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, pháp luật về TGPL ngày càng hoàn thiện, toàn diện, phù hợp với điều kiện KT-XH của đất nước từng thời kỳ và đáp ứng các cam kết quốc tế với 2 lần xây dựng và sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý.
Hai là, hệ thống TGPL được kiện toàn và tăng cường năng lực; người thực hiện TGPL ngày càng được nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp. Hệ thống TGPL có 63 Trung tâm TGPL Nhà nước với 1.233 viên chức, người lao động, trong đó 666 trợ giúp viên pháp lý, 104 chi nhánh TGPL cấp huyện, liên huyện.
Trợ giúp viên pháp lý có tiêu chuẩn điều kiện tương đồng với luật sư, là chức danh viên chức có 3 hạng. Hiện nay, các trợ giúp viên pháp lý đều đã đáp ứng các yêu cầu của đào tạo nghề, hạng chức danh (phải trải qua lớp đào tạo nghề, tập sự và đạt kết quả tại kỳ thi hết tập sự do Bộ Tư pháp tổ chức mới được bổ nhiệm chức danh và hành nghề). Đây là đội ngũ nòng cốt trong cung cấp dịch vụ TGPL và số lượng vụ việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý.
Ba là, hoạt động TGPL ngày càng hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và được xã hội ghi nhận. Từ năm 1997 đến hết tháng 6/2022, đã có hơn 2,3 triệu lượt người được TGPL. Riêng từ năm 2018 đến tháng 6/2022, có 146.149 vụ việc TGPL cho người nghèo, trẻ em, người có công với cách mạng,... và các nhóm đối tượng được TGPL khác (trong đó có 67.107 vụ việc tham gia tố tụng, chiếm 45,91%). Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên.
Việc đánh giá, thẩm định chất lượng và hiệu quả vụ việc được triển khai thực hiện bài bản hơn, hầu hết các vụ việc TGPL được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên; từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021, có 16.441 vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả, trong đó trợ giúp viên pháp lý thực hiện 13.808 vụ việc (chiếm 83,98%).
Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng lợi cho người được TGPL như được tăng mức bồi thường thiệt hại hay được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hoặc thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, thậm chí được tuyên vô tội...
Vậy hiệu quả hoạt động TGPL trong những năm qua góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, phát triển KT-XH tại Việt Nam như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Mai Lương Khôi: TGPL ở Việt Nam ra đời từ nhu cầu giúp đỡ pháp luật của người nghèo và trong suốt quá trình hình thành và phát triển, hoạt động TGPL luôn đồng hành công cuộc giảm nghèo nói riêng và bảo đảm an sinh xã hội, phát triển KT-XH nói chung. Mỗi năm, các tổ chức thực hiện TGPL cung cấp miễn phí khoảng 100.000 vụ việc TGPL cụ thể cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số... qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, trong năm 2021 và năm 2022, TGPL đã được ghi nhận trong tất cả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
Bên cạnh đó, cùng với việc được xác định là dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu trong năm 2021, vai trò của hoạt động TGPL cũng được thừa nhận trong việc đảm bảo an sinh xã hội, phát triển KT-XH, công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Kiện toàn hệ thống TGPL và tăng cường năng lực trợ giúp viên pháp lý là một trong những đòi hỏi bức thiết hiện nay, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng công tác TGPL ngày càng hiệu quả và thực chất hơn. Những giải pháp căn cơ cho vấn đề này hiện nay như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Mai Lương Khôi: Thời gian qua, việc củng cố, kiện toàn và tăng cường năng lực của tổ chức thực hiện TGPL đã được quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, số lượng trợ giúp viên pháp lý chưa tương xứng với nhu cầu TGPL trên địa bàn, có tỉnh số trợ giúp viên còn quá ít (Lai Châu 3 người, Lạng Sơn 4 người, Hà Nam 2 người...).
Do đó, bên cạnh sự quan tâm của Bộ, ngành tư pháp thì UBND cấp tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong tuyển dụng, đào tạo nghề, bồi dưỡng đội ngũ chuyên viên để phát triển thành trợ giúp viên pháp lý, quan tâm phát triển người dân tộc thiểu số tham gia, thực hiện TGPL.
Cùng với đó, trong vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ công thiết yếu, UBND tỉnh cần phải có giải pháp tiếp tục kiện toàn, tăng cường năng lực cho các trung tâm TGPL như tăng cường tập huấn kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu (trong đó có bồi dưỡng tiếng dân tộc đối với những vùng sầu, vùng xa); kiện toàn hoạt động của các chi nhánh đã có, thành lập chi nhánh mới khi đáp ứng yêu cầu của Luật TGPL và đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương; tăng cường truyền thông trong công tác TGPL...
Đối tượng TGPL là những người yếu thế trong xã hội, tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận là nhiều người chưa biết đến cơ chế này, nhất là người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa. Vậy ngành tư pháp đã và đang có giải pháp truyền thông như thế nào để người dân biết đến và thực sự tin tưởng, "cậy nhờ" đến Trung tâm TGPL và Trợ giúp viên khi có vụ việc, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Mai Lương Khôi: Trong những năm gần đây, ở Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều phương thức truyền thông khác nhau, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về TGPL của người dân, nhất là ở cơ sở. Tuy nhiên, hiệu quả việc truyền thông về TGPL chưa đạt được như mong muốn, do đó để người dân biết đến và tin tưởng sử dụng dịch vụ TGPL khi có nhu cầu thì cần tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể.
Theo đó, phải có sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (như các cơ quan, người tiến hành tố tụng, UBND cấp xã, người có uy tín trong cộng đồng như trưởng thôn, cán bộ hòa giải, cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…) trong việc truyền thông, giới thiệu, giải thích, thông báo, thông tin về TGPL đến với người dân.
Tiếp tục truyền thông sinh động, đa dạng về hiệu quả hoạt động TGPL thông qua các vụ việc TGPL thành công để người dân tin tưởng sử dụng "cậy nhờ" đến trung tâm TGPL và trợ giúp viên pháp lý khi có vụ việc.
Nghiên cứu, triển khai các phương thức truyền thông phù hợp, linh hoạt nhằm triển khai hiệu quả các nội dung về TGPL trong các chương trình mục tiêu quốc gia (như tổ chức các đợt chuyên đề, truyền thông điểm hoặc luân phiên...), đặc biệt trong sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (như mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình...) nhằm nâng cao cơ hội tiếp cận và sử dụng TGPL của người dân...
Những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả và thực chất công tác TGPL thời gian tới là gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Mai Lương Khôi: Trước yêu cầu triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về "nâng cao chất lượng dịch vụ công", "đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của .... các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp", để tiếp tục phát huy vai trò là một trong những chính sách có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội và là trách nhiệm, là công cụ của Nhà trước trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân, ngành tư pháp đã xác định hướng phát triển công tác TGPL trong thời gian tới
Đó là tiếp tục lấy người được TGPL làm trung tâm, bảo đảm giúp người dân tiếp cận hoạt động TGPL kịp thời, thuận lợi, có chất lượng và ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. Khẳng định vị trí, vai trò của hoạt động TGPL là một trong những thiết chế bảo đảm quyền tiếp cận công lý cho một bộ phận lớn người dân trong xã hội, qua đó góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp nói riêng, trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung.
Một số nhiệm vụ cụ thể là tiếp tục kiện toàn, tăng cường năng lực Trung tâm TGPL Nhà nước; triển khai hiệu quả hoạt động TGPL và tạo sự đồng bộ với các hoạt động khác trong các chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung thực hiện vụ việc TGPL, nhất là vụ việc tham gia tố tụng có chất lượng, hiệu quả; tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương; nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin theo hướng chuyển đổi số; tích cực hợp tác quốc tế về TGPL, triển khai hiệu quả các dự án, chương trình với các đối tác quốc tế...
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng !
Từ năm 1997 đến hết tháng 6/2022, đã có hơn 2,3 triệu lượt người được TGPL. Riêng từ năm 2018 đến tháng 6/2022, có 146.149 vụ việc TGPL cho người nghèo, trẻ em, người có công với cách mạng,... và các nhóm người được TGPL khác (trong đó có 67.107 vụ việc tham gia tố tụng, chiếm 45,91%).
Lê Sơn (thực hiện)