Liên quan đến Công trình đa chức năng Postef tại khu đất số 61 phố Trần Phú, Hà Nội, UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản số 1485/UBND-ĐT ngày 17 tháng 5 năm 2022 báo cáo Bộ Xây dựng về việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng Postef tại khu đất này.
Cụ thể về phương án quy hoạch, kiến trúc công trình, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình theo quy định và công khai, minh bạch. Việc sử dụng đất, chức năng và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc phù hợp với đồ án Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2.000 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013.
Với không gian kiến trúc cảnh quan, dự án nằm ở cuối trục đường Hùng Vương, đối diện khu đất (về phía Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) có công trình nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng cao 9 tầng (44,6 m). Việc chấp thuận công trình Postef cao 11 tầng (42,9 m, chiều cao tương đồng với công trình nhà làm việc Quốc hội), đồng thời khối đế có khoảng lùi 17 m, khối tháp có khoảng lùi 28 m so với chỉ giới đường Hùng Vương là phù hợp. Hình khối công trình đã bám sát tổ chức định hướng không gian kiến trúc, cảnh quan và mô hình của đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình đã được phê duyệt.
Phần ngầm công trình cũng đã được chấp thuận 6 tầng hầm với các chức năng văn phòng, dịch vụ, kỹ thuật, bãi đỗ xe, là phù hợp với định hướng điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, bảo đảm ranh giới sử dụng đất hợp pháp, không vi phạm chỉ giới đường đỏ, hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại Nghị định 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ.
Phần ngầm đã được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng tháng 12/2020; Sở Xây dựng cũng đã gửi thông báo nội dung cấp phép xây dựng đến Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Quản lý Lăng có văn bản nhất trí với giấy phép xây dựng.
Đánh giá tác động của Dự án, UBND TP. Hà Nội cho biết, chức năng và các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của đồ án đã được các đơn vị tổ chức lập, thẩm định đồ án phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng, cân đối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại khu vực trước khi đưa ra định hướng quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó sẽ không làm gia tăng áp lực lên hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật của khu vực xung quanh.
Mặt khác, tại khu đất Dự án đã dành quỹ đất 1.555m2 để mở rộng các tuyến đường xung quanh sẽ góp phần tích cực tăng diện tích đất giao thông, nâng cao năng lực giao thông của các tuyến đường tại khu vực.
Trước đó, ngày 11/5, tại buổi tiếp xúc trước kỳ họp Quốc hội với cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã thông tin, vừa qua thành phố đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra các vấn đề liên quan đến công trình này.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy chủ đầu tư dự án tại số 61 Trần Phú đã làm đúng quy hoạch, quy trình và thủ tục đầu tư. Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp và sẽ báo cáo Trung ương cho tiếp tục triển khai dự án.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến nhân dân và chuyên gia, thành phố Hà Nội sẽ đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh một số nội dung liên quan về kiến trúc, tầng hầm của công trình và bức phù điêu.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định, tất cả phải được thực hiện trên tinh thần vừa bảo đảm kỷ cương, vừa giữ môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút nhà đầu tư.
Trong buổi trả lời Báo Điện tử Chính phủ gần đây (ngày 12/4), TS.KTS Phan Đăng Sơn-Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, dự án Công trình đa chức năng Postef tại số 61 Trần Phú đã tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ các quy định về mặt pháp lý và điều đó được thực hiện xuyên suốt trong cả một quá trình.
Thông tin rõ hơn về kiến trúc của công trình 61 Trần Phú, trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Phạm Cao Thắng-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 61 Trần Phú-Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef) cho biết, quá trình triển khai dự án đầu tư Công trình đa chức năng Postef tại khu đất số 61 phố Trần Phú, Hà Nội, Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef) đã tổ chức tuyển chọn phương án kiến trúc, phương án chọn được Hội đồng quy hoạch kiến trúc TP. Hà Nội thông qua. Trước khi triển khai, phương án kiến trúc được lựa chọn đã được Thành phố phê duyệt và tổ chức xin ý kiến cộng đồng theo đúng quy định.
Phương án Thiết kế ban đầu của dự án (giai đoạn 2012-2014) có xu hướng theo phong cách tân cổ điển của Pháp để phù hợp với cảnh quan vị trí của dự án thuộc Khu Trung tâm chính trị Ba Đình. Chủ đầu tư đã thuê đơn vị có chuyên gia là kiến trúc sư người Pháp để thiết kế và đưa ra 2 phương án.
Với sự góp ý của TP. Hà Nội, chủ đầu tư tiếp tục xây dựng các phương án thiết kế dưới sự tư vấn và triển khai của Tổng Công ty tư vấn xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng). Giai đoạn này (2015-2016), đưa ra 5 phương án bao gồm cả phong cách cổ điển và phong cách hiện đại.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã yêu cầu chủ đầu tư cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc công trình theo Thông báo số 3653/TB-HĐKTQH ngày 05/7/2016 của Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Thành phố và các cơ quan có liên quan, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, hội nghề nghiệp, các tổ chức tư vấn thiết kế có năng lực để được tư vấn, góp ý hoàn thiện hình thức kiến trúc công trình, bảo đảm phù hợp với chức năng sử dụng, có tính thống nhất với các công trình lân cận, đóng góp hiệu quả cho không gian kiến trúc cảnh quan trong tổng thể Khu trung tâm chính trị Ba Đình theo Quy hoạch chi tiết tại khu vực đã được phê duyệt.
Thực hiện yêu cầu của Sở Quy hoạch Kiến trúc, chủ đầu tư đã thành lập Hội đồng tư vấn kiến trúc của TP. Hà Nội bao gồm: Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, các chuyên gia về quy hoạch kiến trúc của Hà Nội. Hội đồng tư vấn kiến trúc đã thực hiện xét tuyển các phương án kiến trúc công trình.
Năm 2016, phương án đã được Hội đồng quy hoạch kiến trúc và TP. Hà Nội lựa chọn là phương án hình thức kiến trúc như hiện nay và được đưa ra xin ý kiến cộng đồng bao gồm: Cộng đồng dân cư ở phường Điện Biên và quận Ba Đình.
Các thông tin về dự án, bản vẽ phương án kiến trúc của dự án được niêm yết đầy đủ tại UBND phường Điện Biên và nhận được sự đồng tình của đa số người dân với phương án được đưa ra.
Từ năm 2017, trên cơ sở phương án kiến trúc được duyệt và được sự đồng ý của cộng đồng dân cư, chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu để nghiên cứu triển khai thiết kế cơ sở với tiêu chí đáp ứng các yêu cầu vừa đạt được yếu tố về thẩm mỹ kiến trúc, vừa đạt hiệu quả kinh tế cũng như công năng sử dụng của công trình.
Cũng theo kết quả kiểm tra, rà soát công trình đa chức năng Postef tại khu đất số 61 Trần Phú của UBND TP. Hà Nội vừa thông báo tại văn bản số 1485/UBND-ĐT ngày 17/5/2022 cho thấy, Dự án được thực hiện theo đúng quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt. Quy trình, thủ tục quản lý đầu tư, quản lý đất đai theo đúng quy định của pháp luật; chưa phát hiện sai phạm về quy trình, thủ tục cũng như của tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giải quyết hồ sơ. Dự án đầu tư có thể tiếp tục triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.
Để tiếp tục triển khai Dự án, UBND TP. Hà Nội cho rằng, do dự án nằm trong khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình, tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội, ý kiến các chuyên gia và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh trong thời gian qua liên quan đến phương án quy hoạch, kiến trúc của công trình, trong đó có bài viết "Các công trình kiến trúc cần sự kế thừa phù hợp và hướng vào tương lai" đăng trên Báo Điện tử Chính phủ ngày 12/4/2022, cũng như chủ đầu tư đã có văn bản ngày 9/5 đề xuất được nghiên cứu lại tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án theo hướng giảm số tầng hầm, bảo tồn bức phù điêu và tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình. UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các bên liên quan và chủ đầu tư tổ chức thi tuyển để lựa chọn phương án kiến trúc đóng góp cho không gian, cảnh quan khu vực theo hướng giảm số tầng hầm, chuẩn hóa chức năng, công năng công trình.
Phương án quy hoạch, kiến trúc sau đó sẽ được công bố đầy đủ, rộng rãi trước công luận, bảo đảm công khai, minh bạch và sự đồng thuận.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng được giao xem xét, đánh giá phương án quy hoạch, kiến trúc của dự án, phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao, UBND quận Ba Đình, nhà đầu tư nghiên cứu phương án bảo tồn, phát huy giá trị, bảo đảm giữ nguyên trạng về quy mô, nghệ thuật và nội dung của bức phù điêu.
Theo ông Phạm Cao Thắng-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 61 Trần Phú-Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef) đến thời điểm hiện nay, đơn vị mới chỉ dọn dẹp mặt bằng, trả mặt bằng sạch cho dự án.
"UBND TP. Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư thực hiện như thế nào, chủ đầu tư sẽ chấp thuận như thế. Đồng thời, chúng tôi cầu thị, mong muốn được tiếp tục thực hiện dự án theo tinh thần công trình có kế thừa phù hợp và hướng về tương lai", ông Phạm Cao Thắng bày tỏ.
Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef) cũng cam kết có trách nhiệm giữ gìn nguyên trạng, bảo vệ bức phù điêu tại đúng vị trí trước khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng, theo đúng chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội.
Đồng thời, để lựa chọn được phương án kiến trúc đạt được các tiêu chí đề ra, đơn vị nhất trí tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc theo đúng Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Kiến trúc cũng như theo yêu cầu của TP. Hà Nội. Để được đạt kết quả tốt nhất, Công ty mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam để đồng hành trong quá trình tổ chức thi tuyển.
Dự án đầu tư Công trình đa chức năng Postef tại khu đất số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình do Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef) là chủ đầu tư quản lý, sử dụng theo Quyết định số 1738 ngày 16/4/2010 của UBND TP. Hà Nội.
Dự án có tổng diện tích khoảng 9.078 m2. Trong đó 1.555 m2 đất nằm trong chỉ giới đường đỏ, không được xây dựng công trình; 7.523 m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ sử dụng làm văn phòng làm việc với thời gian thuê đất là 50 năm kể từ ngày 15/11/2004.
Trên khu đất có các công trình cao 2 tầng, trước đây là trụ sở và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện.
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011 và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung thành phố, khu đất nêu trên thuộc Khu Trung tâm chính trị Ba Đình với yêu cầu quản lý quy hoạch và không gian kiến trúc các công trình theo "Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình".
Theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, tỉ lệ 1/2000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013, khu đất Nhà máy thiết bị bưu điện (lô G1) thuộc khu vực phục vụ chung cho Khu Trung tâm chính trị Ba Đình và có định hướng di chuyển nhà máy ra khỏi trung tâm, xây dựng thành khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp; khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ. Công trình tại đây chỉ được cao tối đa 11 tầng, mật độ xây dựng 50%.
Diệp Anh