Theo ông Vũ Mạnh Cường (Vĩnh Phúc) tham khảo, tại Điều 40 Luật Thủy lợi 2017 quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi:
"1. Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận.
2. Trong phạm vi bảo vệ công trình, các hoạt động phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và an toàn công trình; phải có đường quản lý, mặt bằng để bảo trì và xử lý khi công trình xảy ra sự cố.
3. Vùng phụ cận của hồ chứa nước bao gồm vùng phụ cận của đập và vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước được quy định như sau:
a) Vùng phụ cận của đập có phạm vi được tính từ chân đập trở ra. Đối với đập cấp đặc biệt tối thiểu là 300 m; đập cấp I tối thiểu là 200 m; đập cấp II tối thiểu là 100 m; đập cấp III tối thiểu là 50 m; đập cấp IV tối thiểu là 20 m;
b) Vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước có phạm vi được tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập trở xuống phía lòng hồ".
Tại Điều 44 Luật Thủy lợi 2017 quy định về các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải có giấy phép, trong đó có: "Xây dựng công trình mới;".
Khoản 1 Điều 44 Luật Thủy lợi 2017 được hướng dẫn bởi Điều 13 Nghị định số 67/2018/NĐ-CP quy định giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, gồm: "Xây dựng công trình mới;"
Tại Điều 22 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước quy định, trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước các hoạt động phải có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền bao gồm: "Xây dựng công trình mới;".
Ông Cường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về tính chất, loại công trình xây dựng, cấp công trình được phép xây dựng trong phạm vi vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước, cốt nền của công trình xây dựng được phép xây dựng trong phạm vi vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước.
Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 10, Khoản 11 Điều 8 Luật Thủy lợi quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi, gồm:
"10. Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;
11. Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp cho các hoạt động quy định tại Điều 44 của Luật này".
Hoạt động "Xây dựng công trình mới" trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi là hoạt động phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp cho các hoạt động được quy định tại Điều 44 Luật Thủy lợi là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Do đó, việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng hoặc cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật chuyên ngành và cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Việc cấp phép hoạt động "xây dựng công trình mới" trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải bảo đảm các nguyên tắc và căn cứ quy định tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 40/2023/NĐ-CP ngày 27/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thủy lợi. Hồ sơ đề nghị cấp phép quy định tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định số 40/2023/NĐ-CP.
Pháp luật về thủy lợi chỉ quy định về loại công trình, cấp công trình... đối với công trình thủy lợi. Tính chất, loại công trình xây dựng, cấp công trình được phép xây dựng, cốt nền của công trình xây dựng được cấp phép xây dựng trong phạm vi vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước được quy định cụ thể trong giấy phép xây dựng được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Xây dựng và pháp luật có liên quan.
Đề nghị ông Cường nghiên cứu quy định của pháp luật về xây dựng, đồng thời xin ý kiến của cơ quan chuyên ngành về xây dựng để được giải đáp chi tiết vấn đề này.
Chinhphu.vn