In bài viết

Cổng trực tuyến phát hiện hỏa hoạn

(Chinhphu.vn)- Ngày 11/8, Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) đã khánh thành cổng trực tuyến để hỗ trợ các nước giám sát các vụ cháy bằng dữ liệu vệ tinh do Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA cung cấp.

12/08/2010 16:55

Hình ảnh các điểm cháy rừng ở Nga (khoanh tròn màu xanh) do 2 vệ tinh của NASA cung cấp. Nguồn ảnh: Dân trí

Hệ thống quản lý thông tin về các vụ cháy toàn cầu (GFIMS) được xây dựng với sự phối hợp của Đại học Maryland của Mỹ, sẽ thể hiện các điểm cháy gần như với thời gian thực, bởi chỉ 2 tiếng rưỡi đồng hồ sau khi vệ tinh bay qua khu vực, các thông tin sẽ được cập nhật ngay trên cổng thông tin trực tuyến này.

Ngoài ra, cổng thông tin trực tuyến này cũng cho phép người dùng nhận các thư điện tử cảnh báo, giúp họ có thể phản ứng nhanh hơn, nhờ đó có thể giảm bớt thiệt hại.

FAO cho biết mỗi năm, các vụ cháy làm ảnh hưởng đến khoảng 350 triệu hécta thảm thực vật, một nửa diện tích này là ở châu Âu. Ví dụ, đợt nắng nóng 40 độ C và tốc độ gió 20m/s đã khiến trên 14 triệu mẫu rừng của Nga bị cháy và trên 50 người thiệt mạng. Tuy nhiên, cho đến nay, con người vẫn gặp rất nhiều khó khăn để có được các thông tin vệ tinh kịp thời về các điểm cháy.

Theo ông Pieter van Lierop, người phụ trách các hoạt động quản lý về các vụ cháy của FAO, việc hoàn thành GFIMS là rất có ý nghĩa vì hiện nay đang là thời điểm các vụ cháy lớn gia tăng.

Thời tiết khắc nghiệt tăng cả về tần số và cường độ

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ tăng cả về tần số và cường độ trong tương lai.

Nhiều khu vực trên thế giới hiện đang phải đối phó với các hiện tượng thời tiết cực kỳ khắc nghiệt: lụt lội hoành hành ở phần lớn châu Á và Trung Âu; lở đất ở Trung Quốc; gió nóng và hạn hán nghiêm trọng đang tàn phá nước Nga, Australia, khu vực Tiểu sa mạc Sahara châu Phi; hoạt động của gió mùa ở Nam Á và Đông Nam Á đã trầm trọng hơn do hiện tượng La Nina hiện giờ đã tác động đến toàn bộ Thái Bình Dương.

Đảo Greenland - nơi cách Bắc Cực 740 km, mới đây, một tảng băng diện tích 200 km2 đã bị vỡ khỏi khối băng vĩnh cửu do biến đổi khí hậu. Ảnh: Internet

Tháng nóng nhất ở Matxcơva, nước Nga được ghi nhận là mức kỷ lục trong vòng 11 thế kỷ qua. Nhiệt độ cao kỷ lục ở 18 bang miền Đông nước Mỹ kéo dài gần 1 tháng qua  mà chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tảng băng khổng lồ rộng hơn 200 km2 đã vỡ ra từ đảo băng Greenland…

Biến đổi khí hậu đã rút ngắn khoảng cách thời gian giữa các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, gây thiệt hại khổng lồ về người và của trên thế giới. WMO cho rằng tác động của con người đã làm tăng ít nhất gấp đôi nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bất thường như hiện nay. Các nghiên cứu mới nhất của WMO cho thấy những mô hình biến đổi của khí quyển đã thay đổi lớn do biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết như En Nino và  La  Nina biến đổi rất khác với những ghi nhận được trong quá khứ.

Bài học rút ra từ những hiện tượng này có thể giúp các nước định hình những phản ứng chính sách thích hợp trong tương lai khi những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có thể trở nên phổ biến hơn vào các thập kỷ cuối của thế kỷ 21.

Trong các hoạt động tới đây, WMO sẽ phối hợp việc thu thập toàn cầu các dữ liệu thời tiết  các nghiên cứu khoa học dài hạn về các dịch vụ thời tiết nhằm cung cấp thông tin cũng như các dịch vụ thích nghi với biến đổi khí hậu.

Mai Hằng