Sau nhiều phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty CP bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh gây ra, các cơ quan chức năng từ tỉnh Nghệ An đến Tổng cục Môi trường đã vào cuộc kiểm tra và kết luận, đơn vị này có nhiều sai phạm về vấn đề môi trường. Thế nhưng, thay vì tuân thủ kết luận của Thanh tra Tổng cục Môi trường, kết luận của UBND tỉnh Nghệ An, Nhà máy này vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
Ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài
Công ty CP bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh là đơn vị "quen thuộc" trong việc gây ô nhiễm môi trường trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sở dĩ nói như vậy là vì Nhà máy đã nhiều lần vi phạm trong nhiều năm liên tục và đã bị các cơ quan chức năng xử phạt rất nhiều. Song, chừng ấy là chưa đủ sức nặng để răn đe đối với đơn vị này vì dường như họ đã "nhờn thuốc".
Theo phản ánh của người dân sống xung quanh nhà máy gồm các khối 10; khối 14; khối 15...của phường Trường Thi (TP.Vinh) thì họ đã phải sống chung với cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng này từ hàng chục năm nay.
Ông Nguyễn Văn Bản, khối 10, phường Trường Thi, bức xúc: "Nhà máy gây ô nhiễm đã hàng chục năm nay, nhưng nặng nhất là từ giữa năm 2009 đến nay khi Nhà máy lắp đặt thêm hệ thống ủ bia thứ hai để nâng công suất lên thành 50 triệu lít/năm. Hàng ngày Nhà máy phả mùi hôi thối từ bể chứa bùn thải sang khu dân cư, bay vào nhà dân. Người dân như chúng tôi phải chịu hết cơ khổ, nhất là nhân dân khối 10".
Nối dài "thành tích"... vi phạm
Tại Văn bản làm việc ngày 11/8/2009 của Đoàn kiểm tra Tổng cục Môi trường nêu rõ: "Năm 2005, do nhu cầu bia tăng cao, Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án đầu tư mở rộng đồng bộ dây chuyền sản xuất bia công suất 50 triệu lít/năm. Nhưng sau đó báo cáo tác động môi trường (ĐMT) của dự án không được Hội đồng thẩm định của Bộ TN&MT thông qua do cộng đồng dân cư trong khu vực không đồng ý cho dự án mở rộng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Công ty chỉ được hoạt động với công suất tối đa là 25 triệu lít/năm. Tuy nhiên, Nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động với công suất 50 triệu lít/năm, cao điểm lên đến 70 triệu lít/năm...".
Trước những sai phạm đó, Đoàn kiểm tra của Tổng cục Môi trường đưa ra Kết luận số 465/KL TTR-TCMT. Theo đó Kết luận này yêu cầu Nhà máy phải cắt giảm công suất xuống tối đa 25 triệu lít/năm để phù hợp với khả năng xử lý nước thải; phải đảm bảo nước thải đạt QCVN. Tháo dỡ, hàn bịt toàn bộ hệ thống đường ống, van xả nước thải trái quy định ra môi trường; lắp hệ thống đo lưu lượng và quan trắc liên tục, chủ động; truy thu phí nước thải bảo vệ môi trường gần 1,1 tỷ đồng; nộp phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường gần 73 triệu đồng...
Một năm sau, ngày 19/8/2010 UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 3701/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc Công ty CP bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh thực hiện kết luận số 465/KL TTR-TCMT của Tổng cục Môi trường và Quyết định số 4115/QH-UBND.ĐC của UBND tỉnh Nghệ An.
Theo nguồn tin riêng của TN&MT, Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 3701/QĐ-UBND đã làm việc xong và gửi Kết luận dự thảo đến UBND tỉnh Nghệ An vào ngày 31/12/2010. Theo kết quả dự thảo này thì Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh vẫn chưa thực hiện nghiêm túc Kết luận của Tổng cục Môi trường và của UBND tỉnh Nghệ An, tức là đơn vị này vẫn tiếp tục hoạt động vượt công suất, xả thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
Kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành gửi UBND tỉnh Nghệ An từ ngày 31/12/2010, nhưng mãi đến gần 5 tháng sau (tức ngày 14/4/2011), UBND tỉnh Nghệ An mới tiến hành họp bàn và qua đó đưa ra Kết luận số 2267/UBND. ĐC về việc xử lý ô nhiễm môi trường tại Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh. Kết luận này có 3 nội dung chính, trong đó nội dung thứ nhất nêu rõ:
"- Trong quá trình hoạt động sản xuất bia Công ty phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường tại Kết luận số 465/KTTR-TCMT ngày 13/8/2009 và Quyết định số 4115/QH.UBND. ĐC nêu trên đã phản ánh nhưng còn tồn tại.
- Chỉ được phép hoạt động sản xuất bia với dây chuyền công suất 25 triệu lít/năm.
- Lập đề án, kế hoạch, lộ trình di chuyển Nhà máy bia ra khỏi khu dân cư (đề án quy hoạch Công ty phải xây dựng trình UBND tỉnh xem xét trước ngày 30/8/2011)".
 | Những bì chứa cặn thải chất la liệt trong khuôn viên Nhà máy | |
Vi phạm nối tiếp vi phạm, Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh vẫn cứ tồn tại ngay giữa trung tâm thành phố để "hành" khu dân cư. Không hiểu các cấp chính quyền sở tại nghĩ như thế nào về tình cảnh của hàng trăm hộ dân đang sống hết sức khổ sở vì ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do Nhà máy gây ra?
Phạm Tuân