Công ty TNHH May Lụa Việt Nam (TPHCM) đang làm thủ tục giải thể. Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty hỏi, người lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn từ trước năm 2009 được hưởng trợ cấp gì, cách tính như thế nào? Đối với hợp đồng không xác định thời hạn ký từ năm 2009 thì người lao động được hưởng những trợ cấp gì và cách tính như thế nào?
Về vấn đề này, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Khoản 7, Điều 36 Bộ luật Lao động thì hợp đồng lao động chấm dứt khi người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
Theo Khoản 1, Khoản 2, Điều 48 Bộ luật Lao động, khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Căn cứ các quy định nêu trên và nội dung hỏi của Công ty thì trường hợp người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động (giải thể) thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động.
Cách tính trợ cấp thôi việc cho người lao động thực hiện theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động, Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, Nghị định 148/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/2015/NĐ-CP.