Công ty không đóng BHYT thì công ty có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng quy định khi người tham gia đi khám chữa bệnh. |
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Khoản 3 Điều 49 Luật BHYT quy định cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.
Như vậy, trong thời gian ông làm việc tại công ty mà công ty không đóng BHYT thì công ty có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng quy định khi người tham gia đi khám chữa bệnh.
Ngoài ra, chế độ BHYT và BHXH của người lao động phải được công ty thực hiện đóng cùng một thời điểm, khi công ty nợ đóng BHXH, BHYT thì người lao động không được hưởng các quyền lợi từ quỹ BHXH và BHYT, việc công ty trả lời ông vẫn được tính là thời gian tham gia BHYT là không đúng quy định.
Khoản 2 Điều 80 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về mức phạt tiền đối với hành vi không đóng BHYT cho toàn bộ người lao động bắt buộc tham gia BHYT của người sử dụng lao động.
Theo Điều 111 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (ngày 15/11/2020) thì Giám đốc cơ quan BHXH cấp tỉnh có thẩm quyền phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về BHYT.
Để được chốt thời gian tham gia BHXH, đề nghị ông Trí đến cơ quan BHXH nơi công ty đóng BHXH để được hướng dẫn thủ tục.
Do ông đã nghỉ việc nên thẻ BHYT tham gia theo đối tượng người lao động do công ty cũ đóng (nếu có) cũng hết hiệu lực. Vì vậy, để tiếp tục được hưởng quyền lợi về BHYT, đề nghị ông đến đại lý thu tại địa phương để đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình.