In bài viết

Cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển ĐBSCL

(Chinhphu.vn) - "Tôi kỳ vọng việc thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL, một quy hoạch mà mọi con mắt đang đổ dồn vào, sẽ mang lại sự phát triển bền vững thực sự cho ĐBSCL", ThS. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL bày tỏ.

19/06/2022 08:09
Phát triển bền vững thực sự cho vùng ĐBSCL - Ảnh 1.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, hội nghị sẽ là một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của vùng ĐBSCL - Ảnh: VGP

Dự kiến trong tuần tới, Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 sẽ được tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành và lãnh đạo các địa phương trong khu vực.

ĐBSCL - tâm điểm thu hút sự chú ý

Theo vị chuyên gia này, do những vấn đề thách thức về phát triển bền vững, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của thủy điện thượng nguồn mà ĐBSCL ngày nay là tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học quốc tế và các đối tác phát triển của Việt Nam, thu hút sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là sự ra đời của các nghị quyết dành riêng cho ĐBSCL như Nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ và gần đây là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị.

"Sau 4 năm soạn thảo, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2022. Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử, ĐBSCL có một bản quy hoạch cấp vùng mang tính đa ngành, tích hợp như thế, cho nên việc công bố quy hoạch này xứng đáng và nên được tổ chức long trọng. ĐSBCL là vùng đầu tiên trong cả nước thực hiện quy hoạch tích hợp cấp vùng theo Luật Quy hoạch năm 2017, do đó, sự kiện này chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý của tất cả các vùng khác trên cả nước", ông Nguyễn Hữu Thiện bày tỏ.

Một vấn đề quan trọng khác là về mặt đầu tư. Trước đây, các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tư nhân, muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL, chắn chắn đều cảm thấy lúng túng vì không có một khung định hướng rõ ràng, không thấy bức tranh định hướng chung.

Giờ đây, khi vùng đã có quy hoạch, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế với quy mô, lĩnh vực khác nhau sẽ có nhiều cơ hội hơn. Ví dụ, các nhà đầu tư có thể tham gia vào 8 trung tâm đầu mối nông nghiệp đặt ở 8 vị trí chiến lược ở ĐBSCL, đầu tư vào hạ tầng dịch vụ, mạng lưới giao thông, du lịch, chế biến nông sản và thương mại, các nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

"Ngoài ra, theo tôi, một ý nghĩa sát sườn, thực tiễn của sự kiện công bố này là để nhân dân và chính quyền các cấp của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL biết được sự ra đời chính thức của quy hoạch cấp khu vực và ý chí chính trị, sự cam kết của Đảng và Chính phủ đối với sự phát triển của ĐBSCL theo hướng xanh, bền vững và bao trùm, gìn giữ môi trường và duy trì bản sắc văn hóa đặc thù sông nước của vùng", chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho hay.

Quy hoạch vùng ĐBSCL: Khung định hướng có tầm nhìn chiến lược

Cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển ĐBSCL - Ảnh 2.

Quy hoạch vùng ĐBSCL được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề mang tính trọng tâm: Chuyển hướng nền nông nghiệp sang hướng giảm thâm canh, chú trọng chất lượng, chuỗi giá trị, gia tăng chế biến, cải thiện logistics, cải thiện tiếp cận thị trường, phát huy các sinh kế khác để giảm số vụ lúa.

Vẫn theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, Quy hoạch vùng ĐBSCL tập trung vào các trọng tâm là nông nghiệp, quản lý nước, công nghiệp, giao thông, năng lượng.

"Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là quy hoạch lần này cho phép chúng ta tiếp cận theo cách 'phục hồi và tăng cường sức khỏe' cho ĐBSCL thay cho cách làm 'đau đâu trị đó' như trong một thời gian dài trước đây. Danh sách những vấn đề khó khăn, phức tạp của ĐBSCL là rất dài: Hạn mặn gay gắt; sạt lở bờ sông, bờ biển; ngập lụt đô thị; ô nhiễm sông ngòi; cạn kiệt nước ngầm, sụt lún đất; thủy sản tự nhiên suy giảm; đất đai kiệt sức, lúa gạo nhiều nhưng nông dân không thoát nghèo; giao thông yếu kém; nhiều người đồng bằng bỏ đi nơi khác tìm cuộc sống mới...

Danh sách ấy dễ gây cảm giác rối rắm, không biết bắt đầu từ đâu để giải quyết. Và dễ gây tâm lý lo lắng, thấy áp lực phải làm gì đó để nhanh chóng khắc phục. Nhưng nếu sa vào cách 'đau đâu trị đó, uống thuốc giảm đau', chỉ chuyên tâm 'vật lộn' với từng vấn đề thì rất dễ bị vấn đề quật ngược lại, phát sinh tác dụng phụ, mắc kẹt ở hiện tại, khó đi tới tương lai", ông Nguyễn HữuThiện cho hay.

Theo chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL này, bên cạnh việc đầu tư cải thiện đường sá giao thông, hệ thống logistics, Quy hoạch vùng ĐBSCL được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề mang tính trọng tâm: Chuyển hướng nền nông nghiệp sang hướng giảm thâm canh, chú trọng chất lượng, chuỗi giá trị, gia tăng chế biến, cải thiện logistics, cải thiện tiếp cận thị trường, phát huy các sinh kế khác để giảm số vụ lúa. Đồng thời, tôn trọng quy luật tự nhiên, xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên.

Chuyển hướng nông nghiệp theo hướng này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề nội tại của ĐBSCL: Giảm đê bao khép kín sẽ có nhiều không gian hấp thu và tạm trữ nước lũ trong các cánh đồng đầu nguồn. Nguồn nước lũ tạm trữ trong mùa lũ sẽ giúp cân bằng mặn ngọt vùng ven biển trong mùa khô.

Với vùng ven biển, Quy hoạch vùng ĐBSCL định hướng chuyển hệ thống canh tác thuận theo mùa mặn ngọt để giảm công trình ngăn mặn. Việc giảm thâm canh, giảm công trình ngăn sông sẽ giảm được ô nhiễm, sông ngòi thông thoáng hơn, dần dần phục hồi, giảm được áp lực sử dụng nước ngầm, giảm được đà sụt lún của đồng bằng.

Ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ gây ra ít nhiều bối rối, vì đây là lần đầu tiên chúng ta từ bỏ phương pháp quy hoạch đơn ngành, cục bộ địa phương, chuyển sang phương pháp đa ngành, tích hợp vào một quy hoạch cấp vùng cho toàn đồng bằng. Tuy nhiên, đây là cách tiếp cận quy hoạch phù hợp với cách tiếp cận quy hoạch tiên tiến trên thế giới. 

"Dù quy hoạch này chỉ giải quyết được những vấn đề nội tại của ĐBCSL, không giải quyết được những tác động từ bên ngoài như thủy điện thượng nguồn, nhưng sẽ giúp nơi đây 'khỏe mạnh' hơn, có đủ sức để đối phó với tác động từ bên ngoài. Sự chuyển hướng phát triển như thế cũng như chuyển hướng một con tàu lớn, rất nặng nề, đòi hỏi thời gian dài, có thể đến 10 năm, nhưng ít ra con tàu không tiếp tục lao theo hướng cũ nữa", ThS. Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.

Phát triển bền vững thực sự cho vùng ĐBSCL

Ông Nguyễn Hữu Thiện bày tỏ hy vọng, sau hội nghị công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL, chính quyền và các cơ quan tham mưu chuyên môn của 13 tỉnh, thành phố sẽ hiểu rõ về cách tiếp cận hệ thống của quy hoạch này, để từ đó các quy hoạch cấp tỉnh, các quy hoạch ngành đang được soạn thảo sẽ hài hòa với quy hoạch chung của toàn vùng. Tất cả các chương trình, dự án, đề xuất sau này của các địa phương cũng như các bộ, ngành cấp Trung ương đều nên phù hợp với quy hoạch, không vì lợi ích hay tầm nhìn của ngành mà phá vỡ quy hoạch.

"Tôi cũng mong Chính phủ sẽ rà soát lại những chính sách nào chưa đồng bộ về vấn đề an ninh lương thực, sử dụng đất và tiến hành điều chỉnh các chính sách đó để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL. Trước mắt, rất mong Chính phủ ban hành một chính sách mới để thay cho Quyết định 593 về thí điểm liên kết vùng", ông Nguyễn Hữu Thiện nêu ý kiến.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng đề xuất nên có một chương trình riêng để hỗ trợ người nông dân thực hiện việc chuyển hướng sinh kế, hệ thống canh tác của họ cho phù hợp với Quy hoạch vùng ĐBSCL, để vừa thích ứng được với biến đổi khí hậu, vừa tham gia được vào sự phát triển mà quy hoạch này mang lại, được hưởng thành quả tư đó.

"Cuối cùng, tôi kỳ vọng việc thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL, một quy hoạch mà mọi con mắt đang đổ dồn vào, sẽ mang lại sự phát triển bền vững thực sự cho ĐBSCL", ông Nguyễn Hữu Thiện bày tỏ.

Đánh giá về nội dung Quy hoạch vùng ĐBSCL, TS. Dương Văn Ni, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, Luật Quy hoạch có hiệu lực từ năm 2017. Tuy nhiên, để luật có thể đi vào cuộc sống thì cần thiết phải triển khai vào thực tế, vừa kiểm tra tính ưu việt của luật, đồng thời cũng xem xét những điểm chưa hoàn chỉnh. Theo ông Dương Văn Ni, tuy chưa hoàn hảo, nhưng quy hoạch vùng ĐBSCL đã bám sát Nghị quyết 120 của Chính phủ, đó là: "Quy hoạch vùng ĐBSCL phải hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp và việc chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp phải dựa trên hệ sinh thái". Việc triển khai Quy hoạch trong thực tế phải tính kỹ hơn đến một số yếu tố như điều tra xã hội về tri thức bản địa, kinh nghiệm canh tác của người nông dân - một trong những yếu tố quyết định nên thương hiệu nổi tiếng của sản phẩm nông nghiệp ; việc phân vùng sinh thái căn cứ vào các yếu tố khác của nguồn nước như phù sa, dinh dưỡng trong nước và đặc biệt là động thái thay đổi nguồn nước - như nước lớn nước ròng…

Anh Thơ