In bài viết

Cú hích làm thay đổi bộ mặt Tây Nguyên

(Chinhphu.vn) – Hơn 16 ngàn tỉ đồng vốn tín dụng ưu đãi đến với đồng bào Tây Nguyên thời gian qua đã góp phần quan trọng, tạo cú hích mạnh mẽ làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế-xã hội vùng địa bàn chiến lược - Tây Nguyên.

27/11/2015 08:00
Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH thăm rẫy của một hộ nghèo vay vốn sản xuất ở xã Ia Khươl, huyện Chư Pảh, Gia Lai. Ảnh VGP/ Đức Bình

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, A Hướt, người dân tộc Ba Na ở thôn Tờ Ve, xã Ia Khươl, huyện Chư Pảh, Gia Lai phấn khởi khoe: Năm năm trước mình vay 20 triệu từ NHCSXH để trồng cây bời lời. Được cán bộ nông nghiệp dạy cách chăm sóc, vừa rồi đến vụ thu hoạch, mình bán được gần 120 triệu. Trả hết nợ ngân hàng, lại mua được thêm đất sản xuất. Giờ nhà mình đã có đồng ra, đồng vào.

Không chỉ riêng nhà A Hướt, những năm qua, hàng vạn hộ nghèo ở đại ngàn Tây Nguyên đã được vay vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, được hướng dẫn cách thức làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Nhìn lại 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên, NHCSXH cho biết, tính đến hết tháng 10/2015, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực này là 16.278 tỉ đồng, với gần 700.000 hộ dư nợ. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 8,96%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn quốc 1,2%...

Điều đáng mừng là, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn ưu đãi này đã được đồng bào “xanh hóa” thành bạt ngàn nương rẫy... Nhờ vậy, chỉ qua 3 năm, 121.000 hộ trên vùng đất chiến lược này đã vượt qua ngưỡng nghèo; 34.000 lao động được tạo việc làm mới; hàng vạn lượt HSSV hoàn cảnh khó khăn được chắp cánh ước mơ tới trường lập thân lập nghiệp.

Không những thế, đồng vốn tín dụng ưu đãi còn góp phần xây dựng gần 312.000 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn, hơn 6.000 căn nhà cho hộ nghèo… tỉ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống còn 11,22% (năm 2014).

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng  và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên. Ảnh VGP/Đức Bình
Chính vì vậy, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng  và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên, tổ chức vào chiều 26/11 tại Pleiku, Gia Lai, các đại biểu đều khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chính sách tín dụng ưu đãi đối với đồng bào Tây Nguyên.

Các đại biểu thống nhất cho rằng, đồng vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã góp phần quan trọng như một cú hích mạnh mẽ làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế-xã hội khu vực Tây Nguyên.

Ghi nhận và biểu dương những kết quả phấn khởi nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh: Chương trình tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn Tây Nguyên thời gian qua đã đem lại những kết quả thiết thực, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của đồng bào vào chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng cho rằng việc triển khai tín dụng chính sách thời gian qua cũng vẫn còn những hạn chế cần tập trung khắc phục như: Chất lượng tín dụng chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng; một số chương trình còn tiềm ẩn rủi ro cao như: Chương trình cho vay làm nhà trả chậm, cho vay xuất khẩu lao động về nước trước hạn, HSSV ra trường chưa có việc làm…; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong triển khai tín dụng chính sách có lúc còn chưa chặt chẽ; hoạt động lồng ghép chương trình cho vay với các chương trình khác (đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư…) chưa được quan tâm đúng mức...

Đồng chí Trần Đại Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện tốt nhất để  đồng bào vay vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh VGP/ Đức Bình
Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng chính sách trong thời gian tới, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị NHCSXH và các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về thực hiện giảm nghèo trên địa bàn Tây Nguyên. Đưa kết quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trở thành tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp.

Trên cơ sở đó, đồng chí Trần Đại Quang yêu cầu các địa phương trong vùng phải xác định đẩy mạnh hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách là nhiệm vụ thường xuyên. Do vậy phải triển khai các giải pháp tổng hợp để huy động mọi nguồn lực, tăng cường nguồn vốn địa phương cho tín dụng chính sách, gắn với chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công…

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi để đồng bào biết và vay vốn đầu tư sản xuất, làm ăn, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng chất lượng tín dụng, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào vay vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cam kết với các đại biểu dự hội nghị và nhân dân trong vùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ tiếp tục dành ưu tiên nguồn vốn; không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của NHCSXH… đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng nhằm tạo điều kiện tốt nhất triển khai các chương trình tín dụng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất, tạo việc làm nâng cao điều kiện sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Đức Bình