In bài viết

Cử tri TPHCM: Kinh tế khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực

(Chinhphu.vn) - Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và từ thực tế phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, nhiều cử tri tại TPHCM bày tỏ niềm tin và nhận định kinh tế-xã hội đang khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực.

13/06/2022 11:48
Cử tri TPHCM: Kinh tế khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực - Ảnh 1.

Cử tri Trần Kim Dung

Kinh tế khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực

Theo cử tri Trần Kim Dung (Quận 7, TPHCM), báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn cùa Quốc hội ngày 7/6/2022 cho thấy nhiều thông tin lạc quan về tình hình phát triển ngành nông nghiệp. Bất chấp những khó khăn về xuất khẩu thời gian qua, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%, thặng dư thương mại 5,1 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ.

Đã có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ). Các nước: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Nhiều loại quả tươi chủ lực (xoài, thanh long, chanh leo, vải...) đã xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc… Về sản phẩm chăn nuôi, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu sản phẩm thịt gà sang Hàn Quốc, Singapore, EU, Anh…

Và theo Bộ Công Thương, trong tháng 5, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 800.000 tấn với giá trị đạt 386 triệu USD. Tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,86 triệu tấn và 1,39 tỷ USD, tăng 10,3% về khối lượng.

Những kết quả trong hơn 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng, khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động sâu sắc từ đại dịch COVID-19 dẫn đến 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Nhưng để sớm đưa Việt Nam thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường như Chính phủ đã đề ra, theo cử tri Trần Kim Dung, cần nhiều biện pháp cấp bách và đồng bộ. Nhất là khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang gặp không ít những khó khăn, biến động.

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản với giá trị gia tăng cao tới các thị trường khó tính, cư tri Trần Kim Dung chia sẻ rất mừng là Chính phủ xác định cần xây dựng các vùng chuyên canh, sản phẩm đặc thù và chất lượng; sản xuất nông sản phải áp dụng kỹ thuật canh tác chuẩn hóa và số hóa; truy xuất được nguồn gốc… Những nhiệm vụ này ngành nông nghiệp đã xác định từ nhiều năm trước. Nhiều kế hoạch cụ thể đã tiến hành từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa đạt kết quả mong muốn. Do vậy, theo cử tri Trần Kim Dung, hiện thực hóa trong đời sống là yêu cầu của thời đại. Làm sao sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Khắc phục các khâu mà Chính phủ nhận thấy còn yếu hiện nay, như logicstics, chế biến, tiếp thị…

Cử tri TPHCM: Kinh tế khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực - Ảnh 2.

Du học sinh Tùng Nguyễn

Động lực cần thiết để bắt đầu quá trình phục hồi và phát triển

Cử tri Tùng Nguyễn, du học sinh (quận Tân Bình, TPHCM) nhìn nhận, trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 có thể thấy rõ, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng tiến hành những biện pháp thiết thực, hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19, nổi bật là đã khẩn trương tiêm vaccine trên diện rộng cho người dân cả nước. Khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, Chính phủ đã ban hành ngay nhiều biện pháp kịp thời, phù hợp để người dân Việt Nam thích nghi trong bối cảnh bình thường mới; thận trọng, từng bước mở cửa lại du lịch vào tháng 3 năm nay; SEA Games 31 được tổ chức rất thành công... Tất cả các yếu tố đó tạo lợi thế thu hút du khách và các nhà đầu tư nước ngoài dần quay trở lại Việt Nam.

Việc dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh (áp dụng từ nửa đầu năm 2020), được kỳ vọng sẽ đem lại cho ngành du lịch nói riêng, các ngành dịch vụ liên quan và nền kinh tế nói chung động lực cần thiết để bắt đầu quá trình phục hồi và phát triển. Đặc biệt là sau những thiệt hại nặng nề về kinh tế-xã hội trong thời gian cao điểm chống dịch COVID-19 năm 2021.

Hơn hai năm đại dịch COVID-19 đã để lại nhiều hậu quả đau thương, mất mát cho nhiều gia đình, cho đất nước. Không ít người đã lợi dụng dịch bệnh, chức quyền để vụ lợi, làm mất lòng tin của nhiều người Việt xa xứ và người nước ngoài sinh sống, làm ăn và du lịch tới Việt Nam. Thông tin Chính phủ kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm liên quan đến vụ que xét nghiệm của Công ty Việt Á, "Các chuyến bay giải cứu" liên quan Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đang rất được người dân trong, ngoài nước quan tâm, đồng tình. Những sai phạm đó không chỉ làm phương hại đến cộng đồng người Việt Nam ở trong nước, mà còn gây ảnh hưởng rất xấu đến cộng đồng Việt kiều, du học sinh Việt Nam và người nước ngoài nên phải xử thật nghiêm.

Cử tri TPHCM: Kinh tế khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực - Ảnh 3.

Giám đốc quốc gia Công ty Hitachi Systems Việt Nam Nguyễn Hoàng Hiệp

Cần giải pháp thực hiện cụ thể

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc quốc gia Công ty Hitachi Systems Việt Nam cho biết, qua theo dõi phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì thấy Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời tương đối đầy đủ câu hỏi từ đại biểu Quốc hội. Riêng với nội dung về Nghị quyết 43 liên quan đến các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế thì TS. Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng các đại biểu cần hỏi sâu hơn, bởi đến thời điểm này, đại dịch COVID-19 đã được khống chế, đặc biệt là tại TPHCM. Do vậy, vấn đề là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tiếp cận được gói hỗ trợ đến mức độ nào, thời gian triển khai và giải pháp để giải ngân đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các bộ trưởng đã đi thẳng vào vấn đề trước các câu hỏi của đại biểu, có đưa ra giải pháp nhưng cần cụ thể thời gian thực hiện. Ví dụ như với thị trường chứng khoán, hệ thống vận hành đã hơn 20 năm nhưng đến giờ này chưa ổn định, gây ra hệ lụy lớn trong thời gian qua, dẫn đến kẽ hở cho nhiều cá nhân lợi dụng chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. TS. Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, người đứng đầu các bộ, ngành cần phải chịu trách nhiệm về các giải pháp và có lộ trình thực hiện cụ thể, có tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong từng giải pháp trả lời chất vấn trước đại biểu Quốc hội.

Cử tri TPHCM: Kinh tế khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Trần Việt Anh

Mong chờ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, doanh nghiệp hiện đang rất quan tâm đến các vấn đề, chính sách tác động đến doanh nghiệp như giá cả leo thang, lãi suất ngân hàng.

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang phục hồi rất tốt. Tuy nhiên, việc nguyên liệu đầu vào tăng đột ngột vừa qua chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Do vậy, mỗi khi Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Bộ Công Thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đăng đàn thì cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ. Các doanh nghiệp sản xuất đang rất mong chờ chính sách hỗ trợ. Chúng ta nói nhiều đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp bất động sản nhưng thực sự chưa bàn nhiều đến khu vực doanh nghiệp sản xuất. Bên cạnh đó, theo ông Trần Việt Anh, cần có chính sách riêng cho doanh nghiệp công nghệ cao; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi công nghệ; chính sách cho doanh nghiệp có nhu cầu phải di dời khỏi các đô thị như TPHCM để đầu tư vào các tỉnh công nghiệp chưa phát triển.

Mạnh Hùng