|
Diễn biến mức lãi suất cơ bản ở Mỹ từ năm 2000 đến nay - Ảnh: Reuters. |
Với quyết định đưa lãi suất cơ bản USD về mức thấp nhất từ trước tới nay, FED cố gắng vực dậy nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong vòng nhiều thập kỷ trở lại đây dưới tác động của khủng hoảng tài chính. Lần gần đây nhất lãi suất USD được đưa về mức 1% là thời kỳ từ tháng 6/2003 - 6/2004.
Như vậy, từ tháng 9/2007 tới nay, FED đã 9 lần cắt giảm lãi suất cơ bản USD, đưa lãi suất này từ mức 5,25% về mức 1%, để góp phần giải quyết những khó khăn của kinh tế Mỹ nói chung và của thị trường tài chính - tín dụng nước này nói riêng.
Tình trạng hiện nay của kinh tế Mỹ có thể sẽ còn xấu đi?
Trong tuyên bố cắt giảm lãi suất, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận quyết định lãi suất trong FED - đã nhấn mạnh những rủi ro đối với vấn đề tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Những rủi ro kéo lùi tăng trưởng vẫn còn đó. Những hành động chính sách gần đây - bao gồm việc cắt giảm lãi suất ngày hôm nay, việc phối hợp cắt giảm lãi suất trước đây của các ngân hàng trung ương trên thế giới, các biện pháp mạnh nhằm tăng cường thanh khoản cho thị trường, và các bước tiến trong việc củng cố lại hệ thống tài chính - dần dần sẽ giúp tăng cường các điều kiện tín dụng và đưa nền kinh tế trở lại với tốc độ tăng trưởng vừa phải”, tuyên bố của FED nhận định.
Tuyên bố của FED cũng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về sự sụt giảm trong hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp do tình trạng tín dụng thắt quá chặt và cảnh báo rằng, tình trạng hiện nay của kinh tế Mỹ có thể sẽ còn xấu đi thêm nữa. “Sự căng thẳng gia tăng của khủng hoảng tài chính có thể sẽ gây thêm những áp lực mới đối với hoạt động tiêu dùng, một phần do các doanh nghiệp và người tiêu dùng khó tiếp cận hơn đối với nguồn tín dụng”, tuyên bố cho biết.
Cũng trong tuyên bố này, FED đề cập đến vấn đề lạm phát với mức độ nghiêm trọng thấp hơn. FED cho rằng, lạm phát sẽ xuống thang trong những tháng tới do giá nhiên liệu và các hàng hóa khác giảm, cũng như viễn cảnh xấu của các hoạt động kinh tế.
Giới quan sát đồng tình rằng, đây là một trong những tuyên bố bi quan nhất của FED về nền kinh tế Mỹ kể từ khi FED bắt đầu ra tuyên bố về các quyết định lãi suất từ năm 1995 tới nay. Các nhà phân tích cho rằng, với những nhận định như thế này, FED hoàn toàn để mở khả năng đưa lãi suất USD xuống dưới 1% trong thời gian tới. Lần cắt giảm lãi suất này nhận được phiếu thuận của tất cả các quan chức trong FOMC.
Cũng trong ngày hôm qua, Trung Quốc và Na Uy đã tiến hành cắt giảm lãi suất cơ bản của các nước này. Dự kiến, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng sẽ hành động tương tự trong những ngày tới.
Trước đó ít ngày, một số nước, như Iceland và Thụy Điển, thay vì cắt giảm, lại tăng lãi suất đồng nội tệ, nhằm ngăn chặn sự mất giá quá mạnh của các đồng tiền này so với USD.
Sau khi cắt giảm lãi suất, FED cũng thông qua các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Singapore nhằm hỗ trợ các nước này có thêm USD để chống khủng hoảng. Hiện FED đã có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với 13 ngân hàng trung ương trên thế giới.
Phản ứng của thị trường: Không đồng đều
Sau quyết định cắt giảm lãi suất của FED, đồng USD kết thúc ngày giao dịch với tỷ lệ sụt giá trong ngày mạnh nhất trong vòng 23 năm, đẩy giá vàng và giá dầu tăng khá mạnh. Kết thúc phiên giao dịch tại New York, giá vàng giao ngay đã tăng lên trên 756 USD/oz. Giá dầu thô ngọt nhẹ tăng thêm gần 5 USD/thùng, đóng cửa ở mức trên 67 USD/thùng.
Lãi suất cho vay ở Mỹ hiện vẫn ở mức cao. Lãi suất cho vay địa ốc kỳ hạn 30 năm ở Mỹ tuần trước là 6,04%, so với mức 6,07% hồi đầu năm nay. Các ngân hàng tiếp tục thắt chặt hầu bao, hạn chế cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp vay tiền.
Quyết định của FED không thể giúp Phố Wall có thêm một ngày phục hồi vì giới đầu tư e ngại, mức cắt giảm lãi suất như vậy là chưa đủ để hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế.
Chỉ số Công nghiệp Dow Jones mất 0,82%, đóng cửa tại 8.990,96 điểm. Chỉ số Nasdaq lại tăng nhẹ 0,47%, chốt ở mức 1.657,21 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) thấp hơn phiên trước 1,11%, kết thúc ngày giao dịch tại 930,09 điểm.
|
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ diễn biến theo xu hướng trái ngược nhau trong phiên hôm qua 29/10. Ảnh: blog.kir.com. |
Thị trường tín dụng tiếp tục có chuyển biến tốt, với lãi suất LIBOR qua đêm giảm 0,1% chỉ còn 1,14%, còn LIBOR 3 tháng xuống 0,05% còn 3,42%.
Doanh số của nhà sản xuất xe hơi General Motor (GM) giảm mạnh trong quý III do nhu cầu thị trường quốc tế chùng xuống. Ngoài ra, doanh số tại Mỹ, sân nhà của GM, cũng rơi 19% so với năm ngoái. Ngược với GM, hai thành phần khác của Dow Jones là Procter & Gamble và Kraft Foods đều đạt chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận.
Hiện 53% các công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả, lợi nhuận nhìn chung giảm 23,9% so với cùng kỳ năm 2007. Đôla suy yếu đã giúp dầu hồi lại 4,77 USD để từ đó leo lên 67,5 USD một thùng.
Tại châu Á, tính tới 9h30 sáng 30/10, sắc xanh phủ khắp các thị trường lớn tại châu Á. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 3,88%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong lên 5,67%. Shanghai Composite của Trung Quốc cao hơn phiên trước 1,48%. Chỉ số KOSPI dẫn đầu về tốc độ đi lên với số điểm cộng 8,09%.
Chứng khoán châu Âu đi lên khá mạnh nhờ diễn biến tại thị trường Mỹ. Chỉ số FTSE 100 của Anh nhảy vọt 8,05%. Chỉ số CAC 40 của Pháp cộng thêm tới 9,23%. Chỉ số DAX của Đức giảm nhẹ 0,31%.
Hoàng Nguyên (tổng hợp)