Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Bệnh bạch hầu nguy hiểm nhưng có thể phòng được. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm và được coi là bệnh cổ điển, được ghi nhận từ rất lâu. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Chính vì vậy, quá trình lây truyền bệnh rất nhanh nếu chúng ta không có các biện pháp dự phòng hoặc không có sức đề kháng tốt.
Thưa ông, xin ông chia sẻ những diễn biến mới của dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên hiện nay?
Ông Đặng Quang Tấn: Thời gian vừa qua, đặc biệt từ tháng 6 tới nay, khu vực một số tỉnh Tây Nguyên đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Tính tới hôm nay đã ghi nhận 53 trường hợp mắc bệnh tại 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông; 25 trường hợp khác là những người mang trùng bệnh.
Qua phân tích, chúng tôi nhận thấy rằng, đa số bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu ở khu vực này là đồng bào dân tộc thiểu số, đều không tiêm hoặc không được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh là trên 7 tuổi, có trường hợp trên 60 tuổi.
Dịch bệnh bạch hầu năm nay diễn biến khác các năm trước, thưa ông?
Ông Đặng Quang Tấn: Dịch bệnh bạch hầu năm nay không có gì khác thường so với mọi năm. Biểu hiện của bệnh vẫn là sốt, đau họng, mệt mỏi và có giả mạc họng, hầu… Tuy nhiên, năm nay có một điểm khác là bệnh ghi nhận tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên với nhiều lứa tuổi đa dạng, từ trên 7 tuổi đến trường hợp trên 60 tuổi. Những trường hợp này, trước đó đều không được tiêm phòng hoặc không được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu. Riêng 3 trường hợp tử vong vừa qua là do bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Căn bệnh này nguy hiểm như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Quang Tấn: Về lý thuyết, tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu là khoảng 5%. Những trường hợp không có miễn dịch hoặc không được tiêm phòng vaccine đầy đủ thì hoàn toàn có thể mắc bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn nếu không được tiêm phòng đầy đủ.
Bệnh lây lan rất nhanh qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Giai đoạn bệnh dễ lây cho người khác nhất là giai đoạn bệnh đang có triệu chứng như sốt, đau họng, ho, khó thở, viêm họng…
Trẻ được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu. Ảnh:VGP/Võ Thu |
Bệnh này lưu hành ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vaccine. Ví dụ, khu vực Tây Thái Bình Dương, những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hàng năm có trên 13.000 trường hợp bạch hầu, đến năm 1990 giảm xuống 1.130 trường hợp và năm 1994 còn 614 trường hợp. Hiện nay, số mắc bệnh bạch hầu hàng năm đã giảm rõ rệt do hiệu quả của việc tiêm phòng bạch hầu cho trẻ em ở các nước.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bạch hầu năm 1985 là 3,95/100.000 dân. Nhờ thực hiện tốt Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nên vào năm 2000 tỷ lệ mắc chỉ còn 0,14/100.000 dân.
Được biết, trong số những ca mắc bệnh bạch hầu ở khu vực Tây Nguyên thời gian qua, có những trường hợp không có triệu chứng hoặc không có biểu hiện của bệnh, vậy theo ông, làm sao để người dân nhận biết và phòng tránh, thưa ông?
Ông Đặng Quang Tấn: Trong thời gian vừa rồi, Bộ y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh tễ Tây Nguyên triển khai điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần người bệnh hoặc trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Chúng tôi đã phát hiện có những người lành không có biểu hiện triệu chứng bệnh nhưng vẫn mang trực khuẩn bạch hầu, đây được gọi là những người lành mang trùng – họ hoàn toàn khỏe mạnh nhưng cũng có thể là nguồn nguy cơ lây nhiễm cho những đối tượng khác nếu chúng ta không phát hiện sớm hoặc không có biện pháp điều trị dự phòng đầy đủ.
Đối với vấn đề này này, Bộ y tế đang tiếp tục chỉ đạo Viện Vệ sinh tễ Tây Nguyên quyết liệt tổ chức giám sát, phát hiện các trường hợp mới, trường hợp nghi ngờ để cách ly theo đúng quy định và cho uống thuốc dự phòng, nhằm hạn chế tối đa trường hợp mắc mới và lây lan cộng đồng.
Còn để phòng bệnh lâu dài thì người dân cần làm gì, thưa ông?
Ông Đặng Quang Tấn: Hiện, biện pháp dự phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Cả người lớn và trẻ em đều có thể đi tiêm vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.
Từ cuối tuần trước, Bộ Y tế cũng đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine Td phòng bệnh bạch hầu cho người dân 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Đây là chiến dịch tiêm vaccine Td lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực này với ước tính gần 10 triệu liều tương ứng với gần 5 triệu người được tiêm.
Những đối tượng nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thì đều được tiêm miễn phí vaccine có chứa thành phần phòng bệnh bạch hầu như vaccine 3 trong 1, vaccine 5 trong 1 hoặc vaccine đơn liều…
Trước đó, ngay từ những ngày đầu tiên khi nhận được thông tin về các trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở khu vực Tây Nguyên, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh như thành lập và yêu cầu đội cơ động của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ địa phương tổ chức giám sát cách ly, khoanh vùng và xử lý ổ dịch, tổ chức các đội y tế xuống hỗ trợ địa phương giám sát và điều trị bệnh nhân.
Bộ cũng đã vào làm việc với các tỉnh ghi nhận ca bệnh, tổ chức chiến dịch giám sát cách ly những trường hợp nghi ngờ. Những trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân, những trường hợp sinh sống tại vùng có trường hợp mắc bệnh thì đều được lập danh sách theo dõi và được uống thuốc dự phòng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương triển khai việc tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho những đối tượng nằm trong khu vực có ghi nhận ca bệnh.
Đồng thời, Bộ cũng triển khai các chiến dịch tuyên truyền, vận động từ các cấp chính quyền đến y tế thôn bản, trưởng làng, già bản cùng tham gia với ngành y tế vận động người dân đi tiêm vaccine, rà soát các đối tượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng để vận động gia đình đưa trẻ đi tiêm đầy đủ…
Xin cảm ơn ông!
Thúy Hà (thực hiện)