Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai trương dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Theo đó, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn sử dụng 1 trong 3 dịch vụ: gửi hồ sơ giải quyết TTHC; nhận kết quả giải quyết TTHC; gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC. Việc nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân được thực hiện tại các điểm phục vụ của VNPost hoặc tại địa chỉ mà tổ chức, cá nhân yêu cầu. Cơ quan có thẩm quyền phải bố trí người tiếp nhận hồ sơ và tiền phí, lệ phí (nếu có) do bưu điện chuyển đến.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ được chuyển đến, việc giải quyết TTHC được thực hiện theo đúng trình tự, thẩm quyền và thời hạn do pháp luật quy định. Cơ quan có thẩm quyền công khai kết quả giải quyết TTHC trên trang thông tin điện tử của cơ quan (nếu có) và thông báo đến nhân viên bưu chính, tổ chức, cá nhân khi hoàn thành việc giải quyết TTHC. Nhân viên bưu chính sẽ chuyển phát hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC tới tận địa chỉ yêu cầu cho tổ chức, cá nhân.
Hiện VNPost đã và đang triển khai một số TTHC, dịch vụ công như: Thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông; Tiếp nhận hồ sơ, chuyển trả giấy phép lái xe cấp đổi qua bưu điện; Chuyển phát hồ sơ và lệ phí xét tuyển Đại học, Cao đẳng, Chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, chi trả trợ cấp người có công, thu thuế…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo một số bộ ngành thực hiện nghi lễ khai trương dịch vụ của VNPost. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là sự kiện đặc biệt không chỉ đối với VNPost, ngành bưu điện mà cả quá trình cải cách TTHC nhằm cung cấp các dịch vụ công rõ ràng, minh bạch, thuận lợi nhất để người dân tiết kiệm thời gian, chi phí và được phục vụ như khách hàng.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua các bộ ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện cải cách TTHC từ rà soát, chuẩn hóa, công khai TTHC đến việc xây dựng “cơ chế một cửa”, các trung tâm cung cấp dịch vụ công… Tuy nhiên, như nhận xét của Phó Thủ tướng, đến giờ phút này người dân vẫn phải trực tiếp tiếp xúc với các cơ quan hành chính ở một số lượng hạn chế các điểm "một cửa".
Vì vậy, Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có tác động rộng lớn đến người dân khi có thể thực hiện một số TTHC thông qua mạng lưới các điểm bưu điện đến từng ngõ ngách, tiến tới là tại từng nhà với sự trợ giúp trực tiếp của nhân viên bưu điện.
“Một số dịch vụ công mà VNPost đã thực hiện như chi trả chế độ cho một số đối tượng không chỉ tiết kiệm chi phí mà quan trọng hơn là công khai, minh bạch và đặc biệt người dân được phục vụ như khách hàng”, Phó Thủ tướng nhận xét.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Đề cập đến tỷ lệ 86% TTHC đã được cung cấp trực tuyến nhưng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 mới 5,1%, cấp độ 4 mới đạt 0,9%, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, những công việc tiếp theo còn rất nặng nề, khó khăn, cần có sự quyết tâm của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp… vì lợi ích chung của đất nước, thuận lợi cho người dân
Thời gian tới, ngành bưu điện cùng các DN viễn thông, công nghệ thông tin cần tích cực phối hợp, hợp tác chặt chẽ vào xây dựng một cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho cả hệ thống hành chính.
Các cơ quan hành chính các cấp phải có kế hoạch rất cụ thể, công khai những TTHC có thể được thực hiện qua hệ thống bưu điện.
“Kể từ ngày hôm nay ngành bưu điện không chỉ là “cách tay nối dài” của hệ thống hành chính mà đây còn là bộ mặt của cơ quan hành chính Nhà nước trước nhân dân. Đây là sự ghi nhận nỗ lực của ngành bưu điện nhưng cũng đặt ra trách nhiệm rất lớn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và chia sẻ mong muốn VNPost, ngành bưu điện tiếp tục đổi mới, sáng tạo để luôn là một bộ phận “máu thịt” trong hệ thống chính trị của đất nước như trong thời chiến tranh và thời gian trước đây. Đây là thời điểm rất quan trọng mà mỗi cán bộ, nhân viên ngành bưu điện cần nắm bắt cơ hội, làm hết sức mình để làm sao phát huy những truyền thống rất đáng quý, rất đáng tự hào của mình.
Đình Nam