In bài viết

Củng cố 'sức khỏe' tài chính và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhà nước

(Chinhphu.vn) - Để nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, việc củng cố sức khỏe tài chính và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhà nước là hết sức cần thiết và quá trình này cần có sự đồng hành của các cấp chính quyền.

10/11/2024 10:47
Củng cố 'sức khỏe' tài chính và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhà nước- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu đề dẫn hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sáng 10/11, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học "Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - Thực tiễn Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines".

PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines và TS. Nguyễn Đức Kiên chủ trì Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh, kinh tế nhà nước giữ vị trí trọng yếu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nền tảng cơ bản để phát triển mọi ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.

Qua các kỳ Đại hội Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước, Đảng và Nhà nước ta đều khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, tầm quan trọng và vai trò then chốt của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, tại Việt Nam, trong bối cảnh Nhà nước đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, ngành hàng không ngày càng khẳng định rõ vai trò của mình trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Là doanh nghiệp nhà nước, cùng với thương hiệu Hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines chính là doanh nghiệp phù hợp để triển khai chiến lược quốc gia về phát triển Việt Nam thành trung tâm của khu vực.

Trong tiến trình phát triển đất nước hội nhập và mở cửa những năm qua, ngành hàng không Việt Nam đã không ngừng phát triển, đạt được nhiều thành tựu về các mặt. Tuy nhiên, các hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 để lại cùng với thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế khiến cho Vietnam Airlines không thể tự thân khắc phục các khó khăn, thách thức hiện nay.

Vốn chủ sở hữu công ty mẹ tiếp tục âm, lỗ lũy kế vẫn ở mức cao, tình trạng tài chính của Vietnam Airlines vẫn đang mất cân đối, các khoản nợ đến hạn và quá hạn vẫn rất lớn, do đó cần tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Vietnam Airlines để vượt qua khủng hoảng, sớm phục hồi và phát triển bền vững.

"Để nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, việc củng cố sức khỏe tài chính và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhà nước nói chung, của Vietnam Airlines nói riêng là hết sức cần thiết và quá trình này cần có sự đồng hành của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của bản thân ngành hàng không", ông Nguyễn Ngọc Cảnh nêu rõ.

Củng cố 'sức khỏe' tài chính và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhà nước- Ảnh 2.

PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines và TS. Nguyễn Đức Kiên chủ trì Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Tại Hội thảo, các tham luận làm rõ và khẳng định vị thế chủ lực của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại thị trường Việt nam.

Để đạt mục tiêu trở thành hãng hàng không tiên tiến, thuộc nhóm hãng hàng không đứng đầu khu vực ASEAN và Vietnam Airlines thành thương hiệu có uy tín của Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế, các ý kiến thảo luận tại Hội thảo nhấn mạnh việc Nhà nước cần đẩy mạnh công tác hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của ngành hàng không Việt Nam nói chung, Vietnam Airlines nói riêng. Tiếp tục hỗ trợ ngành hàng không phát triển bền vững thông qua thực hiện cơ cấu lại, cải thiện khả năng thanh toán và xử lý nợ. Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng mua thêm máy bay, phát triển đội tàu bay, mở rộng đường bay đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, giải quyết những điểm nghẽn, cản trở phát triển đối với Vietnam Airlines. Hỗ trợ mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đánh giá một cách toàn diện cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong ngành và tác động của nó tới sự phát triển của ngành cũng như của nền kinh tế quốc dân, từ đó xác định những trọng tâm cần hoàn thiện trong giai đoạn tới.

Đồng thời, nghiên cứu cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn thực hiện những dự án đầu tư quy mô lớn, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Vũ Phong