Sự vào cuộc khẩn trương của Chính phủ, bằng những hành động và thông điệp cụ thể, đã nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực của thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp và đang bước đầu có hiệu quả.
Thực tế các vụ việc vừa qua cho thấy, một số tổ chức, cá nhân có những vi phạm, như tạo "sóng" để hút các nhà đầu tư "lướt sóng" ngắn hạn, giao dịch lớn không công bố, tác động đến giá chứng khoán để trục lợi… Việc cơ quan chức năng vào cuộc không chỉ để xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định, mà còn là tiếng chuông cảnh báo đối với những hành động và dòng tiền có mục đích tương tự.
Sau đó, phản ánh và hấp thụ các chỉ đạo, thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thị trường bắt đầu có xu hướng ổn định và cân bằng. Chỉ số VN-Index có các bước hồi phục mạnh mẽ, từ thấp nhất 1.261 điểm trong phiên 26/4 đã chốt tháng ở 1.366,8 điểm, tăng hơn 8% qua 4 phiên giao dịch.
Đi cùng với hướng phục hồi của điểm số, chính trong thử thách, TTCK Việt Nam bắt đầu đón nhận sự trở lại của khối nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi thể hiện xu hướng bán ròng kéo dài trong năm 2021, gần nhất là mức bán ròng 3.646 tỷ đồng trong tháng 3/2022, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng gần 4.000 tỷ đồng tháng vừa qua. Diễn biến này thể hiện niềm tin trở lại vào triển vọng của thị trường.
Niềm tin đó của nhà đầu tư nước ngoài, hướng phục hồi mạnh cuối tháng 4 là sự ủng hộ của thị trường đối với những giải pháp, bước đi quyết liệt của Chính phủ trong chủ trương thúc đẩy phát triển TTCK lành mạnh, minh bạch và bền vững.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh định hướng kiên quyết xử lý những vi phạm để bảo vệ những người làm ăn chân chính, công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật, thực hiện mọi biện pháp cần thiết với bước đi, lộ trình phù hợp để thị trường phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.
Trước đó, tại hội nghị về thị trường vốn, Thủ tướng cũng nêu rõ thông điệp làm lành mạnh hóa thị trường, không để sai phạm của một thiểu số làm ảnh hưởng đến đa số các nhà đầu tư làm ăn chân chính, không hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tháng 4 vừa qua cũng ghi nhận "lát cắt" quyết liệt đối với hành vi vi phạm trong hoạt động phát hành của tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Khác với thị trường cổ phiếu, TPDN có đặc thù chưa hoặc không niêm yết, có nền tảng giao dịch khác, nên diễn biến và phản ứng chậm hơn trước các sự kiện. Song, qua 4 tháng đầu năm, hơn 42.000 tỷ đồng TPDN đã lần lượt đáo hạn mà không có phát sinh nào xảy ra. Trong quý 1 và tháng 4 vừa qua, tần suất và khối lượng phát hành trên thị trường này chùng xuống, được nhìn nhận ở giai đoạn đầu năm các doanh nghiệp phải tính toán và cân đối tài chính trước khi triển khai các kế hoạch phát hành.
Còn ở định hướng chung, như đã đề cập ở trên, những bước xử lý của các cơ quan chức năng khẳng định quan điểm của Chính phủ trong phát triển thị trường lành mạnh, minh bạch và không để sai phạm của một thiểu số làm ảnh hưởng đến đa số các nhà đầu tư làm ăn chân chính.
Đó cũng là hướng củng cố và bảo vệ niềm tin trên thị trường TPDN, nơi mà yếu tố niềm tin có tính quyết định lớn. Ở đây có điểm tương đồng như trong phát triển tín dụng ngân hàng, chữ "Tín" được gắn liền khi cho vay hay khi đầu tư TPDN.
Quy trình truyền thống của các ngân hàng thương mại khi cho vay vẫn thường phải trả lời 4 câu hỏi cơ bản: Người vay là ai? Vay vốn đề làm gì? Khả năng và nguồn tiền trả nợ như thế nào? Có tài sản đảm bảo hay không và nếu có là gì?
Câu hỏi đầu tiên đã gắn liền với chữ "Tín", với niềm tin trong giao dịch. Với thị trường TPDN cũng vậy, uy tín của nhà phát hành và niềm tin thị trường đối với họ cũng được xác định đầu tiên.
Khi định rõ nhà phát hành là ai, các yếu tố uy tín, mức độ minh bạch, lịch sử và năng lực kinh doanh có tính chất quyết định đối với niềm tin của nhà đầu tư. Niềm tin đó mở rộng trên thị trường sẽ góp phần hạn chế tình trạng thị trường bị rơi vào cái "bẫy" của tài sản đảm bảo, mà qua đó trở nên co cụm.
Tại các thị trường phát triển, cũng như đang dần hình thành tại Việt Nam, các doanh nghiệp phát hành đều được đánh giá bằng các hạng mức tín nhiệm bởi các tổ chức chuyên nghiệp. Với các doanh nghiệp tốt, hạng mức tín nhiệm cao đều tự tin huy động vốn qua kênh này. Chữ "Tín" trong hạng mức tín nhiệm ở đây chính là một điểm điểm tựa quan trọng để các nhà đầu tư, cả với những nhà đầu tư cá nhân rót vốn.
Ngược lại, "bẫy tài sản đảm bảo" dễ hình thành đối với nhà đầu tư, bởi doanh nghiệp kém tín nhiệm đi cùng với mức độ rủi ro cao, mà khi phát sinh rủi ro thì việc xử lý tài sản đảm bảo với nhiều quy trình phức tạp về pháp lý cùng tốn kém nhiều thời gian.
Trên thực tế nhiều doanh nghiệp có hạng mức tín nhiệm cao, năng lực kinh doanh, năng lực thi công cao và hiệu quả như khi tham gia các dự án đầu tư công, xây dựng các công trình hạ tầng, nhà máy, dự án năng lượng…; song ở những lĩnh vực này họ hạn chế về tài sản đảm bảo hoặc không thể có tài sản đảm bảo.
Cùng với định hướng của Chính phủ, sự vào cuộc của các đầu mối chức năng, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và ngay cả trong nước đang dần mở rộng sự đồng hành trên thị trường này. Và trong số nhiều giải pháp được đưa ra tại hội nghị về thị trường vốn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, một giải pháp rất quan trọng là khẩn trương ban hành các quy định pháp lý để thúc đẩy sự ra đời của công ty xếp hạng tín nhiệm.
Trong môi trường có xu hướng lành mạnh hơn, minh bạch hơn với quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước như vậy, thị trường càng có cơ sở để kỳ vọng phát triển bền vững. Và ở đó, các doanh nghiệp tốt chứng minh được uy tín và năng lực sẽ tự tin gọi vốn mà không nhất thiết phải sẵn có nhiều tài sản đảm bảo; nhà đầu tư được nắm bắt các cơ hội và được bảo vệ tốt hơn, bên cạnh năng lực sàng lọc và quản trị rủi ro của chính họ.
Tuấn Lê