In bài viết

Cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính: Thời cơ để doanh nghiệp đổi mới, bứt phá

(Chinhphu.vn) - Người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ, việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy là đòi hỏi tất yếu để xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu: Lấy người dân làm trung tâm, lấy doanh nghiệp làm chủ thể, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong kỷ nguyên mới.

04/07/2025 10:09

Việc tổ chức lại địa giới hành chính, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã và vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp (bỏ cấp huyện) là yêu cầu khách quan của sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: Quyết định "sắp xếp lại giang sơn" là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.

Người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ, việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn, là điều kiện nền tảng để xây dựng nền hành chính hiện đại, tập trung, hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu: Lấy người dân làm trung tâm, lấy doanh nghiệp làm chủ thể, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong kỷ nguyên mới.

Cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính: Thời cơ để doanh nghiệp đổi mới, bứt phá- Ảnh 1.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh

Tập đoàn Mai Linh và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, đồng thời bày tỏ niềm tin và sự ủng hộ mạnh mẽ đối với mô hình tổ chức hành chính mới. Đây không chỉ là cuộc cải cách mang tính thể chế của hệ thống chính trị, mà còn là cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nói chung, nhất là những doanh nghiệp lớn, hoạt động trên địa bàn cả nước tiến hành cải cách, tái cấu trúc hệ thống tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động; tạo cú hích, động lực mạnh mẽ để doanh nghiệp chuyển mình, phát triển theo hướng số hóa, xanh hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc sáp nhập các địa phương cấp tỉnh và xã, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả với cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng gắn với đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hiện đại hóa toàn diện lực lượng sản xuất, đồng thời xác lập quan hệ sản xuất phù hợp, sẽ tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp hoạt động.

Lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh xác định, đây là cơ hội rất thuận lợi để các doanh nghiệp nghiên cứu chuyển đổi mô hình, mở ra không gian lớn để tái cấu trúc nội bộ, tinh gọn tổ chức, đầu tư vào nền tảng công nghệ số, chuyển đổi xanh và tối ưu hóa chi phí vận hành. Những yếu tố này sẽ là lợi thế quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc, khai thác triệt để tiềm năng từ các thị trường trong nước và quốc tế, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Từ nhận thức trên, Ban lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh đã tiến hành tái cấu trúc bộ máy và đổi mới cơ chế hoạt động của Tập đoàn. Theo đó, Tập đoàn Mai Linh sáp nhập các đơn vị, chi nhánh trên cả nước, giảm tối đa ban điều hành và nhân sự văn phòng, giúp tiết kiệm vài tỷ đồng/tháng. Cùng với đó, Tập đoàn ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào công tác quản lý, điều hành bảo đảm nhanh gọn, khoa học; đầu tư mới hàng trăm xe điện theo mục tiêu phát triển xanh, hiện đại, văn minh và bền vững, nâng cao chất lượng phục vụ.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, bộ máy hành chính mới sau sáp nhập, tinh gọn sẽ có nhiều đổi mới mang tính đột phá, thực chất; các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được phân quyền, phân nhiệm rõ ràng, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; có cơ chế và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hiện đại nhằm xử lý công việc nhanh chóng, khoa học, hợp lý để bảo đảm tính hiệu lực - hiệu quả - chuyên nghiệp trong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cần xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc (KPI) của cán bộ, công chức, viên chức một cách minh bạch, chặt chẽ; không để "kẽ hở" cho tiêu cực, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp, làm cản trở sự phát triển của đất nước.

Cựu chiến binh Hồ Huy
Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh