In bài viết

‘Cuộc chiến’ giữa các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện

(Chinhphu.vn) - Có rất nhiều thuốc khi mới vào Việt Nam, mặc dù đã được phép lưu hành nhưng chưa nằm trong gói đấu thầu cụ thể. Vì vậy, nếu quy định bó hẹp như dự thảo Bộ Y tế đang soạn thảo, sẽ gây khó cho hoạt động của các nhà thuốc bệnh viện.

02/05/2018 18:49

Ảnh minh họa

“Bó hẹp” danh mục thuốc của nhà thuốc trong bệnh viện

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế. Nghị định này đề cập đến 9 lĩnh vực có quy định điều kiện kinh doanh gồm: Khám chữa bệnh; dược phẩm, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; trang thiết bị y tế; y dược cổ truyền; y tế dự phòng; sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; xét nghiệm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ, xác định lại giới tính. Dự kiến, Nghị định này sẽ được trình Chính phủ trong tháng 5.

Tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định này được Bộ Y tế tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, nhiều đại diện bệnh viện tư nhân đánh giá, việc Bộ Y tế dự kiến cắt giảm 1.151/1.680 điều kiện đầu tư kinh doanh và cắt 168/338 thủ tục hành chính là động thái tích cực, do một loạt những điều kiện này đã tác động rất lớn đến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế, bao gồm cả dược và khám chữa bệnh, tháo gỡ và giảm nhiều thủ tục không cần thiết, đặc biệt những điều kiện loại bỏ này còn tác động nhiều nhất đến khối y tế tư nhân.

Tuy nhiên, theo đại diện của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương – bệnh viện ngoài công lập đầu tiên của Phú Thọ, tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP, Khoản 2, Điều 136, có quy định cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được mua thuốc trúng thầu của chính cơ sở khám bệnh chữa bệnh đó. Điều này gây khó khăn cho khối bệnh viện tư nhân và đề nghị Bộ Y tế xem xét tại Nghị định sửa đổi lần này.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương lý giải, cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên bệnh viện cũng giống như cơ sở bán lẻ thuốc ở ngoài. Tức là họ đều đang tham gia vào việc kinh doanh các sản phẩm dược phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh.

“Với những cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước phụ thuộc vào việc đấu thầu, trúng thầu thì có thể áp dụng, nhưng với chúng tôi là cơ sở tư nhân thì công việc này cũng chỉ là phục vụ kinh doanh”, vị đại diện cho biết.

Mặt khác, trên thực tế hiện nay, có rất nhiều thuốc khi mới vào Việt Nam, được phép lưu hành nhưng chưa nằm trong gói đấu thầu nào. Bên cạnh đó, việc mua vào và bán thuốc của khối bệnh viện tư nhân còn phải phụ thuộc vào chỉ số thặng số bán lẻ, chịu sự giám sát của Luật Giá và của người tiêu dùng, vì vậy nếu chỉ bó hẹp trong phạm vi thuốc đấu thầu thì sẽ gây khó cả cho bệnh nhân và bệnh viện.

Nhà thuốc bên ngoài bệnh viện: Đơn thuốc đâu để bán?

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, khi soạn thảo Nghị định 54/2017 cơ quan soạn thảo đã tham vấn nhiều đơn vị, trong đó có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện cho rất nhiều doanh nghiệp ủng hộ Nghị định này.

Lãnh đạo Cục Quản lý dược dẫn chứng, các nhà thuốc trong các bệnh viện đã có quá nhiều lợi thế so với các nhà thuốc bên ngoài, vì họ đã có cả hàng nghìn bác sĩ “trong tay”, có cả đất của bệnh viện và bao nhiêu đơn thuốc đều ở đó, vì hiện nay chúng ta đang làm quyết liệt việc bán thuốc theo đơn, tuy nhiên với các cơ sở bán thuốc bên ngoài bệnh viện thì đơn ở đâu mà bán.

“Với lợi thế này, VCCI cho rằng, quy định đó bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các nhóm đối tượng”, ông Đỗ Văn Đông cho biết.

Một lý do khác là hiện nay, có rất nhiều thuốc tương tự thuốc đấu thầu trong bệnh viện nhưng giá cao hơn gấp nhiều lần, thì tại sao không có quy định này để những người điều trị ngoại trú cũng được sử dụng thuốc đã thông qua đấu thầu vừa bảo đảm chất lượng mà giá hợp lý?

“Từ trước đến nay, các nhà thuốc cứ gọi doanh nghiệp đưa thuốc vào, đương nhiên thuốc đó hợp pháp, có đầy đủ giấy tờ được lưu hành nhưng giá chưa hợp lý, còn cao”, ông Đông nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay, chúng ta đang muốn đưa ra hàng lang pháp lý để quản lý thật chặt, rồi mới đến bảo đảm chất lượng và tiêu chí của các dịch vụ y tế. Tuy nhiên điều này hoàn toàn sai, vì chính điều đó lại “bó chặt” cơ quan quản lý, mà Nghị định 54/2017 là một ví dụ. Khi mới ban hành, chúng ta tưởng quản lý rất chặt nhưng bây giờ đã bộc lộ ngay một số điểm hạn chế.

Bộ Y tế ghi nhận ý kiến của bệnh viện Đa khoa Hùng Vương và khối bệnh viện tư nhân, đồng thời lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi lần này sẽ được Bộ thực hiện theo nguyên tắc cố gắng cởi bỏ tất cả những ràng buộc, kể cả đối với cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, nhằm thay đổi cách thức tiếp cận để quản lý chất lượng dịch vụ y tế, bảo đảm chất lượng dịch vụ chuyên môn.

Thúy Hà