In bài viết

Cuộc ‘đại phẫu’ bóng đá Việt

(Chinhphu.vn) - Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngày 13/1 tới đây, cuộc đối thoại về bóng đá Việt Nam sẽ được tổ chức. Có thể nói đây là lần đầu tiên Chính phủ nêu yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm trả lời cụ thể việc làm thế nào để bóng đá Việt Nam phát triển xứng tầm, đáp ứng mong đợi của người hâm mộ.

11/01/2018 11:46

Trước đó, hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ VHTT&DL tổ chức ngày 19/12/2017 đã đưa đến một cái kết mở: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VHTT&DL, Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức một cuộc đối thoại thẳng thắn để ghi nhận đầy đủ, trao đổi cởi mở, cụ thể về những vấn đề của bóng đá Việt Nam. Từ đó xác định hướng nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, phát triển một nền bóng đá đẹp, trung thực không phải là một việc duy ý chí, cũng không thể làm được ngay một lúc mà cần có lộ trình, cơ bản theo quy luật phát triển của thế giới, từ bóng đá phong trào, bóng đá trẻ rồi đến giải đấu chuyên nghiệp, cấp độ đội tuyển. Công tác đào tạo cầu thủ không chỉ về kỹ chiến thuật mà cả đạo đức, văn hoá, đến chế độ dinh dưỡng...

Nhưng những gì được coi là “bộ mặt của bóng đá Việt Nam” như giải đấu chuyên nghiệp, đội tuyển quốc gia thì các hạn chế, bất cập cần phải được chấn chỉnh trong thời gian ngắn nhất.

Sau đó, câu hỏi về đóng góp cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam đã được gửi tới các cơ quan truyền thông. Những thắc mắc của người hâm mộ về các vấn đề quan trọng của bóng đá đã được lập thành danh sách câu hỏi đặt lên bàn đối thoại.

Cơ quan có trách nhiệm trả lời rất cụ thể: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).

Vấn đề đặt ra cũng rất đa dạng. Có vấn đề vĩ mô cần câu  trả lời của Bộ VHTT&DL, Bộ GD&ĐT (tính khả thi trong một số mục tiêu của Đề án phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020; vấn đề bóng đá phong trào…). Có vấn đề yêu cầu Tổng cục Thể dục thể thao, VFF trả lời (liên quan đến chuyện ‘một ông chủ’ sở hữu nhiều đội bóng nên dễ có chuyện “vỗ vai chia điểm”; liệu V-League có thể có nhiều đội xuống hạng hơn không khi hiện nay chỉ có 1-1,5 đội phải xuống hạng; bóng đá nội chưa hấp dẫn do ‘chưa sạch’, nguyên nhân của vấn đề này…). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng có những CLB vô địch trong nước nhưng không đủ điều kiện tham gia giải châu lục vì không có đội trẻ. Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự, nội bộ của VFF trước thềm đại hội nhiệm kỳ mới cũng được đưa vào thảo luận…

Mặc dù chưa thể ngay lập tức trở thành “một cuộc cách mạng” giải quyết được toàn bộ những vấn đề tồn tại, bất cập của bóng đá Việt Nam nhưng sự quan tâm, định hướng của Chính phủ cùng với sự quan tâm của người hâm mộ sẽ là sự mở đường cho cách giải quyết hiệu quả điều mà những người làm bóng đá tưởng chỉ là chuyện của riêng mình.

Cuộc đối thoại đang nhận được sự chờ đón của dư luận, của các nhà báo và người hâm mộ.

Thanh Phương