Cách đây 10 năm, cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu với việc Ngân hàng Lehman Brothers Holdings (Mỹ) nộp đơn xin phá sản vào ngày 15/9/2008 sau 158 năm hoạt động. Cùng ngày, một tập đoàn ngân hàng lớn khác của Mỹ là Merrill Lynch tuyên bố sáp nhập với Bank of America do thua lỗ từ cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp nhà ở cũng tại Mỹ.
Ngân hàng Lehman Brothers phá sản đã để lại một khoản nợ khổng lồ gần 700 tỷ USD, gây ra sự hỗn loạn hệ thống tài chính thế giới, kéo theo cỗ xe kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng.
Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush và nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh, nhưng lời kêu gọi đó cũng không cứu vãn được tình thế.
Thị trường chứng khoán Mỹ đổ dốc nhanh chóng. Nhiều ngân hàng do quá hoảng sợ đã tức khắc khóa van tín dụng dẫn tới hiện tượng khan hiếm tiền mặt. Điều này khiến hàng loạt các nhà xây dựng và công ty môi giới địa ốc mất khả năng thanh toán. Nhà đất tuột giá. Các hộ gia đình nước Mỹ trước kia đi vay với lãi rẻ để mua nhà, nay không thể trả nợ đáo hạn. “Vết dầu loang” làm cho hệ thống tài chính thế giới lâm vào cảnh không đòi được nợ.
Cuộc khủng hoảng khiến nền kinh tế toàn cầu thất thoát 4.500 tỷ USD vào năm 2009.
Nước Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới lâm vào suy thoái.
Cuộc khủng hoảng nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước ngoài nước Mỹ. Các ngân hàng châu Âu đã cạn nguồn USD để trả cho các khoản vay bằng đồng USD. Cuối cùng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải đứng ra làm bên cho vay cuối cùng, cung cấp đến khoảng 1.000 tỷ USD thanh khoản.
Đáng chú ý là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính đã làm cho tăng trưởng toàn cầu năm 2007 đạt 4,2% đã giảm xuống còn 1,8% vào năm 2008, sau đó bị giảm thêm vào năm 2009. Các chuyên gia kinh tế nhận định cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tính từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930.
Phải mất đến 10 năm, các gói kích thích kinh tế mới có thể khôi phục lại tình trạng bình thường cho kinh tế Mỹ. Còn ở châu Âu, nhiều nền kinh tế vẫn gặp khó khi tổng cầu sụt giảm. Trong khi trên thực tế, lẽ ra chính sách tiền tệ và tài khóa có thể tạo ra nhiều tác động tích cực hơn.
Nhìn lại chặng đường 10 năm sự kiện Lehman Brothers phá sản, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng quốc tế đã khắc phục được nhiều sai lầm trong quá khứ. Nhiều nước đã nâng cao mức an toàn của các ngân hàng, đặt ra nhiều hàng rào kiểm soát trong các hoạt động mua đi bán lại các sản phẩm tài chính.
Tuy vậy ở một khía cạnh khác, 10 năm sau khi Lehman Brothers phá sản, vẫn chưa có một cơ quan nào được lập ra để thẩm định về mức độ độc hại của các khoản "nợ thối", của những sản phẩm tài chính được mua đi bán lại trên các sàn chứng khoán.
Trong khi đó, một yếu tố rủi ro khác có thể gây hỗn loạn thị trường tài chính châu Âu nói riêng và thế giới nói chung khi mới đây, ngày 11/9, Hiệp hội các ngân hàng Đức (BdB) đã lên tiếng cảnh báo cảnh báo "cuộc ly hôn" không êm thấm giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Chủ tịch BdB, Andreas Krautscheid nhận định "sẽ xảy ra cơn địa chấn tại các thị trường vốn châu Âu, không chỉ tại London mà cả ở Frankfurt, Paris và Amsterdam nếu Anh rời EU vào tháng 3/2019 mà không đạt được thỏa thuận.
Người đứng đầu BdB nhấn mạnh hầu hết các ngân hàng thành viên của BdB đều có hoạt động liên quan đến Brexit, do đó, tâm lý quan ngại đang bao trùm toàn bộ các ngân hàng này khi Anh và EU vẫn chưa đạt được một thỏa thuận Brexit trong khi quỹ thời gian đang dần thu hẹp.
Có thể nói, 10 năm sau sự kiện Lehman Brothers phá sản, các nhà hoạch định chính sách đã có nhiều biện pháp để làm cho nền kinh tế an toàn hơn, tuy nhiên vẫn còn quá nhiều việc phải làm để cuộc khủng hoảng tương tự không tái diễn.
Tuyết Minh (tổng hợp)