In bài viết

Cuộc sống người chuyển giới: Còn nhiều kỳ thị, khó khăn

(Chinhphu.vn) - Khó tìm việc làm, giấy tờ cá nhân của chính mình nhưng không được xã hội công nhận, bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh… là những rào cản khiến cuộc sống của người chuyển giới tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

24/05/2016 20:09
Hoa hậu chuyển giới tại Việt Nam 2015 Hysa B (25 tuổi). Ảnh: VGP/Hiền Minh
Số người chuyển giới chiếm khoảng 0,5% dân số thế giới

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), mặc dù ở Việt Nam chưa có thống kê nào về số lượng người chuyển giới, nhưng theo nghiên cứu của các tổ chức khoa học uy tín, số lượng người chuyển giới hiện chiếm khoảng 0,5-1% dân số thế giới.

Việc thu thập số liệu người chuyển giới gặp khó khăn do sự kỳ thị xã hội khiến người chuyển giới không thể hiện hoặc không công khai giới tính mong muốn của mình; còn có trường hợp người chuyển giới tự nhận mình là người đồng tính.

Số liệu tại nhiều nước châu Âu cũng ghi nhận tỉ lệ người chuyển giới từ nam sang nữ cao gấp 6 lần tỉ lệ người chuyển giới từ nữ sang nam. Điều này không có nghĩa là có nhiều người chuyển giới từ nam sang nữ hơn, mà do người chuyển giới từ nữ sang nam ít tìm tới các cơ sở phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Đặc biệt, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người chuyển giới trong xã hội đã khiến họ sống khép kín trong sự bức bối của chính mình.

Bà Lương Bích Ngọc, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho biết, sự kỳ thị phân biệt đối xử và bạo lực với người chuyển giới khá phổ biến và ở mức độ nghiêm trọng hơn so với người đồng tính, hoặc người có quan hệ cùng giới nói chung.

“Họ còn bị phản đối từ chính gia đình, bạn bè của mình do thể hiện giới tính khác với vai trò được xã hội mong đợi, thể hiện qua cách ăn mặc, lời nói, cử chỉ và điệu bộ”, bà Lương Bích Ngọc nói.

Một người chuyển đổi giới tính giấu tên tâm sự, khi công khai với bố mẹ về giới tính và mong muốn được chỉnh sửa bản thân, nhưng bố mẹ nghe xong đã đưa ngay em đi gặp bác sĩ tâm lý, vì trong quan niệm của nhiều người hiện nay vẫn cho rằng, người chuyển giới là mắc "bệnh" hoặc "a dua". Nhiều lúc em cảm thấy rất tủi khổ vì những lời xúc phạm của chính những người thân trong gia đình.

Phải chấp nhận “cái chết giả”

Những định kiến về người chuyển giới cũng đang khiến họ dần bất lực khi đi tìm việc làm. Thậm chí, có người xin được công việc tạm thời trong quán ăn hoặc doanh nghiệp tư nhân nhưng hầu như đều phải nghỉ việc sau một thời gian ngắn vì thái độ phân biệt đối xử và bất công nơi làm việc.

Theo đại diện Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, cơ hội việc làm đặc biệt khó khăn hơn với những người chuyển giới từ nam sang nữ. Họ thường có nhu cầu làm việc ở các ngành nghề dịch vụ, làm đẹp, biểu diễn... nhưng do bị phân biệt đối xử từ gia đình nên họ ít được gia đình đầu tư cho việc học hành và phát triển nghề nghiệp.

Sự kỳ thị trong nhà trường cũng khiến họ khó theo đến cùng việc học. Chính việc thiếu nền tảng hỗ trợ từ gia đình và không bằng cấp nên cơ hội việc làm càng trở nên mong manh hơn.

“Thậm chí những người chuyển giới từ nam sang nữ ở TPHCM thường tập hợp thành các nhóm nhỏ đi hát ở các đám tang để kiếm sống”, hoa hậu chuyển giới năm 2015 Hysa B chia sẻ.

Đặc biệt, những người chuyển giới tại Việt Nam hiện nay đang phải chấp nhận “cái chết giả”, vì họ vẫn đang sống nhưng giấy tờ cá nhân thì đang “chống” lại chính họ, “lấy gì để chứng minh được tên tuổi, bằng cấp trên giấy tờ là của chính họ trong khi khuôn mặt, giới tính đã không còn như trước”.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, hiện nay Việt Nam có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có. Những người này cơ thể sinh học là nam hoặc nữ, nhưng trong suy nghĩ và hành động thì ngược lại.

Tuy nhiên, nước ta chưa có luật chuyển đổi giới tính và còn thiếu cơ chế pháp lý đối với người chuyển giới về đăng ký hộ tịch, kết hôn, tham gia nghĩa vụ quân sự... vì vậy họ gặp rất nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch dân sự, trong cuộc sống hằng ngày.

Pháp luật cũng chưa quy định người chuyển giới được phẫu thuật chuyển đổi giới tính trong nước, nên người có nhu cầu phải ra nước ngoài chuyển giới, phần lớn phẫu thuật chui nên chịu nhiều tốn kém về kinh tế, nguy cơ rủi ro cao về sức khỏe.

Ông Quang khẳng định, về y học, Việt Nam có thể thực hiện được kỹ thuật phẫu thuật chuyển đổi giới tính, nhưng luật có thừa nhận hay không thì cần phải xem xét, phân tích kỹ cả về pháp luật, đạo đức, khoa học và thực tiễn.

Dự kiến, năm 2018, Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được trình Quốc hội. Nếu được thông qua, cuối năm 2018, Luật sẽ được ban hành, khi đó người chuyển giới được phép thực hiện chuyển đổi giới tính trong nước với chi phí rẻ hơn nhiều lần so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, khi đó, người chuyển giới thực hiện phẫu thuật xác định lại giới tính sẽ có xác nhận của cơ quan y tế, họ sẽ được thay đổi một loạt các quan hệ dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình, hộ tịch kèm theo.

Hiền Minh