Theo phản ánh của ông Trương Văn Nhân, UBND phường phát hiện công trình xây dựng trên đất vườn ươm đã có quyết định thu hồi đất nên lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xây dựng trên đất không được phép xây dựng. Sau đó, UBND phường trình và được UBND thành phố ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 22.500.000 đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình vi phạm trả lại hiện trạng ban đầu.
Tuy nhiên, hết thời hạn, người vi phạm vẫn không chấp hành quyết định xử phạt, UBND thành phố đã ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng người vi phạm vẫn cố tình không chấp hành.
Ông Nhân hỏi, đối với trường hợp trên thì áp dụng theo Thông tư số 02/2014/TT-BXD (hướng dẫn Nghị định số 121/2013/NĐ-CP) hay Nghị định số 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 10, Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở thì việc xử lý (phá dỡ) công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp này được quy định chi tiết tại Thông tư số 02/2014/TT-BXD ngày 12/2/2014 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP.
Như vậy, trong trường hợp trên, việc cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 02/2014/TT-BXD.
Chinhphu.vn